Quảng Ninh: Phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Trong 3 năm liên tiếp (2019-2021), Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới bình chọn là 'Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á'. Đóng góp vào thành tích đáng tự hào đó, không thể không nhắc đến Quảng Ninh - nơi được ví như 'Việt Nam thu nhỏ' có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cùng nhiều điểm đến, công trình văn hóa hiện đại, ấn tượng. Từ đây góp phần tạo đòn bẩy và nền tảng vững chắc để du lịch phát triển, vươn xa.

Tạo thương hiệu du lịch hút khách

Du lịch văn hóa được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Quảng Ninh (gồm du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch biên giới). Trong những năm qua, ngành du lịch Quảng Ninh đã khai thác và phát huy hiệu quả giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch.

Festival áo dài Quảng Ninh

Festival áo dài Quảng Ninh

Nhắc đến những công trình, thiết chế văn hóa hiện đại của Quảng Ninh không thể không nhắc tới Bảo tàng Quảng Ninh. Với kiến trúc độc đáo, không gian trưng bày đa dạng với khoảng 6.000 tư liệu hình ảnh, hiện vật gốc... tiêu biểu, có giá trị lịch sử và hàm lượng khoa học sâu sắc về Quảng Ninh đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho điểm đến này.

Vì vậy, ngay khi du lịch mở cửa trở lại từ giữa tháng 3, nhất là từ thời điểm bước vào mùa du lịch cao điểm hè 30/4, 1/5 đến nay, Bảo tàng Quảng Ninh luôn là điểm đến hút khách bậc nhất tại Hạ Long. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, hình ảnh các đoàn xe du lịch nối đuôi nhau với hàng nghìn du khách dừng chân tại Bảo tàng Quảng Ninh đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân TP Hạ Long. 6 tháng đầu năm 2022, Bảo tàng Quảng Ninh đón khoảng 237.900 lượt khách, tổng số phí tham quan thu được khoảng 3,5 tỷ đồng.

Bảo tàng Quảng Ninh

Bảo tàng Quảng Ninh

Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Ngoài chính sách hỗ trợ giảm giá vé tham quan Bảo tàng nhằm kích cầu du lịch được tỉnh triển khai thời gian qua, góp phần làm tăng lượng khách đáng kể đến với Bảo tàng, song không thể không kể đến sức hút đặc biệt của công trình văn hóa hiện đại hàng đầu của tỉnh.

Các không gian trưng bày tại Bảo tàng được thiết kế phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương của tất cả mọi người từ người lớn đến trẻ em, do đó được nhiều du khách, các công ty lữ hành lựa chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá du lịch Hạ Long. Đặc biệt, năm 2021, Bảo tàng được nâng hạng từ bảo tàng loại II lên loại I, đã giúp Bảo tàng Quảng Ninh tiếp tục được nâng giá trị trên “bản đồ” bảo tàng thế giới.

Ngoài sức hút từ các công trình văn hóa hiện đại như cụm Bảo tàng - Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh..., các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trải dài khắp tỉnh cùng hệ thống các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, các di sản văn hóa - nghệ thuật mang nét đặc trưng văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh đã trở thành những "tài nguyên" du lịch hết sức giá trị.

Có thể thấy, những năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống ngày càng được phục dựng nhiều hơn, cùng với mục đích bảo tồn văn hóa thì yếu tố kích cầu du lịch cũng là mục tiêu hàng đầu. Tiêu biểu như: Lễ hội truyền thống đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long); Ngày Kiêng gió, hội Soóng Cọ (Bình Liêu); Lễ hội đền Xã Tắc, lễ hội hoa sim biên giới năm 2022 (Móng Cái)...

Đặc biệt, việc tổ chức thành công một số môn thi đấu SEA Games 31 tại các điểm đến văn hóa như Khu di tích - danh thắng Yên Tử, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh trong tháng 5 vừa qua đã góp phần quảng bá, giới thiệu, tạo ấn tượng mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh.

Lễ hội đền Đức Ông

Lễ hội đền Đức Ông

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 5 triệu lượt, tăng 107% so với kịch bản tăng trưởng. Doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 122% so với kịch bản tăng trưởng. Trong đó, du lịch văn hóa đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo nên kết quả ấn tượng này.

Gìn giữ nguồn “tài nguyên” để phát triển du lịch

Quảng Ninh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và độc đáo. Toàn tỉnh hiện có 632 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 6 khu di tích Quốc gia đặc biệt (Vịnh Hạ Long, Bạch Đằng, Yên Tử, Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, đền Cửa Ông - Cặp Tiên, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô). Cùng với đó, tỉnh có trên 360 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê với 6 di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là nguồn tài nguyên quý trong việc tạo thế mạnh, thương hiệu và sự khác biệt cho sản phẩm du lịch của Quảng Ninh.

Nhằm tăng cường công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; tiếp tục phối hợp với TP Hải Phòng hoàn thiện hồ sơ Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận Di sản thế giới; triển khai xây dựng hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn).

Di tích quốc gia

Di tích quốc gia

Cùng với đó, chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư tu bổ các di tích cũng như cơ sở hạ tầng, dịch vụ đã thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, đơn vị, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong 3 năm qua, 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng từ nguồn lực nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, các di sản đã được đưa vào trở thành những điểm du lịch trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của nhiều địa phương, như: Uông Bí, Quảng Yên, Bình Liêu, Đông Triều, Ba Chẽ, Móng Cái...

Mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa chính là mối quan hệ tương hỗ. Văn hóa tạo nền tảng để thúc đẩy, phát triển du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển tạo tiềm lực để tôn tạo, trùng tu các di tích, phục dựng các lễ thức, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian..., đồng thời, tạo nguồn thu nhập tại chỗ cho phép các địa phương tích lũy và phát triển KT-XH, trong đó có văn hóa. Vì vậy, các ngành, địa phương cần có giải pháp, chiến lược lâu dài nhằm đưa du lịch phát triển hiệu quả, bền vững trên nền tảng văn hóa.

N.H

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: http://baove.congly.vn/quang-ninh-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-de-phat-trien-du-lich-24400.html