Quảng Ninh quyết giữ 'vùng xanh', đảm bảo cân bằng giữa sức khỏe người dân và kinh tế
Quảng Ninh quyết tâm giữ vững 'vùng xanh' an toàn, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội.
Giữ vững thành quả chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, thời gian qua, Quảng Ninh quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Trong đó, siết chặt kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh; người ở Quảng Ninh không đi ra khỏi tỉnh nếu không có việc thực sự cần thiết; thực hiện tổng kiểm tra hành chính trên địa bàn để xác định chính xác số người cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện xét nghiệm sàng lọc tầm soát những người có nguy cơ; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Để đảm bảo phòng dịch chuẩn bị cho năm học mới, các cơ sở giáo dục đã phát phiếu kê khai lịch trình di chuyển, hoạt động, tiếp xúc của học sinh, sinh viên từ đủ 14 ngày trước ngày đến trường lần đầu; phối hợp với cơ quan y tế địa phương thực hiện kiểm soát ngay theo quy định đối với các trường hợp đi qua, tiếp xúc với người từ vùng dịch.
Tại buổi họp giao ban tuần để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cho ý kiến kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ nay đến cuối năm 2021, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt do biến chủng Delta lây lan nhanh tại nhiều địa phương trong nước, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh đã kịp thời có các biện pháp linh hoạt để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch; trong đó, huy động sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị toàn tỉnh.
Đến nay, Quảng Ninh vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giữ được vùng xanh an toàn,vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: "Trước diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 ở trong nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội, dự báo từ nay hết tháng 9/2021, Quảng Ninh sẽ chịu những thách thức ngày càng lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để giữ thành quả trong phòng, chống dịch, tỉnh quyết tâm, kiên trì thực hiện triệt để chiến lược ngăn chặn không để mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh bằng bất cứ hình thức nào.
Trong đó, đặt ra yêu cầu siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra, vào tỉnh; phải tăng cường trách nhiệm trong việc củng cố hoạt động của các chốt, trạm kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cảng, bến thủy nội địa, trên biên giới.
Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động ở cộng đồng, trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở y tế và những nơi có nguy cơ cao để đảm bảo kiểm soát mầm bệnh trong cộng đồng".
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra, vào tỉnh; phải tăng cường trách nhiệm trong việc củng cố hoạt động của các chốt, trạm kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cảng, bến thủy nội địa, trên biên giới.
Các địa phương, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động ở cộng đồng, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở y tế và những nơi có nguy cơ cao để đảm bảo kiểm soát mầm bệnh trong cộng đồng.
Các cơ quan, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch, đồng thời khẩn trương hoàn thiện phương án, kịch bản cụ thể ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới và tổ chức diễn tập thành thục.
Ông Nguyễn Xuân Ký khẳng đinh: "Quảng Ninh quyết tâm cao kiểm soát tình hình dịch bệnh, giữ vững 'vùng xanh' an toàn, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội.
Để tiếp tục giữ vững 'vùng xanh' an toàn, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… cần chủ động hơn nữa xây dựng phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, mỗi người dân, tổ dân, khu phố, làng, bản cần nâng cao ý thức trong thực hiện những quy định phòng, chống dịch, quyết tâm không để dịch xâm nhiễm vào địa bàn".
Chú trọng giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế
Với quyết tâm triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, Quảng Ninh đã xác định rõ những khó khăn, thách thức đặt ra trong năm 2021, đặc biệt là trong bối cảnh chịu tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 để xây dựng, ban hành Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế làm cơ sở và tạo áp lực, gắn với trách nhiệm để các cấp, các ngành triển khai.
Trong quá trình thực hiện, dịch bệnh Covid-19 liên tiếp xuất hiện những diễn biến mới, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, tuy nhiên tỉnh quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu đề ra mà tập trung chỉ đạo, bổ sung những giải pháp trọng tâm, trọng điểm để thực hiện.
Nhờ đó, kinh tế 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 4 trong các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng Sông Hồng.
Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng 9,64%, đóng góp 5,14 điểm % tăng trưởng và chiếm tỷ trọng 55,5% GRDP. Động lực tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 34,7%, đã bù đắp một phần sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì ổn định.
Khu vực dịch vụ, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh Covid-19. Tổng lượng khách du lịch 7 tháng đạt 2,57 triệu lượt, giảm 55% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 5.029 tỷ đồng, giảm 58% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 27.516 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, bằng 95% cùng kỳ. Tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách trên địa bàn đạt trên 282.000 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ 5 tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch và thu ngân sách trên địa bàn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể của quý III,IV/2021, trong đó có dự báo những thuận lợi, khó khăn, tốc độ tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để mục tiêu tăng trưởng cho từng quý và cho cả năm 2021.
Ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2021, từ nay đến cuối năm phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, chủ lực, có sản phẩm thực tế để đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh
Trong đó, ngành than có nhiều tín hiệu lạc quan và được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc. Vì vậy, Tập đoàn Than lên kế hoạch tổng động viên để tăng sản lượng từ 1-1,5 triệu tấn so với kịch bản đề ra đầu năm. Tổng Công ty Đông Bắc phấn đấu tăng sản lượng 350.000 - 500.000 tấn so với đầu năm.
Xác định đầu tư công là 1 trong trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành tiến độ các dự án; tập trung tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất san lấp, giải phóng mặt bằng, lao động và các điều kiện thi công. Trong đó, phải chỉ rõ địa chỉ và gắn trách nhiệm cụ thể.
Đối với các dự án trọng điểm ở khu vực ngoài nhà nước, các ngành tích cực vào cuộc đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án liên quan đến hạ tầng khu công nghiệp, du lịch dịch vụ, đô thị và khu vực dân doanh.
Trong lĩnh vực chế biến chế tạo, phải tập trung cho các dự án công nghiệp chế biến chế tạo có thể ra sản lượng vào cuối năm cũng như tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp chế biến chế tạo trong các khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, khu công nghiệp Việt Hưng và khu công nghiệp Cái Lân tăng năng suất, sản lượng, đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Riêng về ngành dịch vụ, dịch vụ bán lẻ, dịch vụ thương mại biên giới và vận tải năm nay có chuyển biến rất tích cực. Vì vậy, việc tiếp tục giữ địa bàn an toàn sẽ là cơ hội để thúc đẩy các ngành này đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh.
Đối với khu vực nông, lâm, thủy sản, phải giữ vững sản lượng thủy sản để phục vụ thị trường trong và ngoài nước; giữ vững sản lượng lâm nghiệp; tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Về thu chi ngân sách, các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách; rà soát các khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu từ tiền sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; tập trung khai thác nguồn thu mới để bù đắp được các khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác.