Quảng Ninh quyết tâm đưa du lịch trở lại quỹ đạo phát triển
Với những cách làm riêng, các di tích, thắng cảnh của Quảng Ninh vẫn được quan tâm đầu tư tôn tạo, bảo vệ, tạo nên những điểm nhấn và là nền tảng để đưa du lịch địa phương trở lại quỹ đạo phát triển trong những năm tiếp theo.
Điểm nhấn di sản văn hóa
Trong bối cảnh đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, năm 2020 hầu hết các di tích, thắng cảnh của Quảng Ninh không tổ chức lễ khai mở hội, một số đền chùa lớn trên địa bàn cũng không mở cửa đón khách. Tuy nhiên, với những cách làm riêng, các di tích, thắng cảnh của Quảng Ninh vẫn được quan tâm đầu tư tôn tạo, bảo vệ, tạo nên những điểm nhấn; công tác phát huy giá trị di sản được triển khai linh động, phù hợp từng thời điểm.
Chuyển động đáng kể nhất của các di sản văn hóa Quảng Ninh năm 2020 có thể kể đến việc đưa vào và đẩy mạnh lộ trình tái lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới; xây dựng hồ sơ trình trung ương công nhận Thương cảng cổ Vân Đồn thành di tích Quốc gia đặc biệt, công nhận di tích miếu Ông - miếu Bà là di tích Quốc gia, công nhận tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử là bảo vật quốc gia…
Kết quả của hoạt động nỗ lực này là đã xác định giá trị cốt lõi, tiêu chí chính của Yên Tử - khâu quan trọng để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới, từ đó tạo điểm cộng cho Yên Tử trong lộ trình này.
Tháng 11 vừa qua, di tích miếu Ông - miếu Bà (Ba Chẽ) cũng đã chính thức được trung ương công nhận di tích cấp quốc gia, qua đó nâng tầm giá trị cho di tích, giúp người dân cả nước biết đến một di tích ven sông ở một huyện miền núi Quảng Ninh gắn với các vua nhà Trần trong thời điểm quan trọng của chiến lược chống Nguyên Mông bảo vệ bờ cõi hơn 700 năm trước.
Năm 2020 cũng là lần đầu tiên Quảng Ninh công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh cho ruộng bậc thang, đó là ruộng bậc thang Bình Liêu. Lý do của việc này không chỉ bởi không gian, cảnh quan ruộng bậc thang Bình Liêu quá đẹp mà quan trọng khu vực này gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tập quán canh tác, phong tục tín ngưỡng rất lâu đời của người Dao sinh sống ở Bình Liêu mà đến thời điểm này vẫn được giữ gìn và phát huy, tạo nên một nét đẹp đặc biệt, thu hút du khách.
Việc công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh cho ruộng bậc thang Bình Liêu không chỉ làm giàu thêm danh mục hệ thống di tích danh thắng cấp tỉnh của Quảng Ninh mà còn tạo nên dư địa, nguồn lực mới để phát triển du lịch Bình Liêu, vốn là thế mạnh kinh tế bền vững của vùng đất giáp biên giới này.
Cùng với những điểm nhấn trên, Quảng Ninh tích cực chuẩn bị các điều kiện để trình trung ương xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú lần 3; đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích; triển khai các gói kích cầu du lịch trong đó lấy các điểm di tích tín ngưỡng làm hạt nhân…
Tiêu biểu trong đó là chuỗi hoạt động Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu, tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông với nội hàm của nó là rất nhiều những hoạt động điểm nhấn đã tạo nên sự lan tỏa, sức hút đối với phật tử, du khách trong cả nước đến với Quảng Ninh.
Thành công qua các đợt kích cầu
Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2020 ước đạt 8,8 triệu lượt, giảm 37% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 536 nghìn lượt, giảm 90,7%; khách nội địa ước đạt hơn 8,3 triệu lượt, tăng 0,6% so với năm 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 17.000 tỷ, giảm 42% cùng kỳ; thu ngân sách từ dịch vụ, du lịch ước đạt 2.200 tỷ đồng, chiếm 6% tổng thu ngân sách nội địa.
Không chỉ tạo điểm nhấn với các di sản văn hóa, qua 3 đợt kích cầu lớn của tỉnh và nhiều gói kích cầu của các địa phương. Điều này không chỉ giúp du lịch Quảng Ninh vượt qua "bóng đen" Covid-19, mà còn khai mở được nhiều dư địa phát triển.
Năm 2021, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới hoạt động du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Ngành phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 10 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 20 nghìn tỷ đồng.
Bình Liêu là địa phương đã và đang triển khai hiệu quả gói kích cầu du lịch cuối năm, góp phần vào thành công chung của các gói kích cầu du lịch mà tỉnh đưa ra trong năm 2020. Cái thuận của Bình Liêu thời điểm này đang là cao điểm du lịch, với mùa hoa lau, hoa sở nở trắng rừng… đồng thời bản văn văn hóa cũng chính là một điểm cộng lớn của du lịch Bình Liêu.
Ngay sau khi ruộng bậc thang trở thành thắng cảnh - di tích cấp tỉnh, huyện Bình Liêu tổ chức “Hội mùa vàng Bình Liêu”. Miền di sản ruộng bậc thang trở thành sản phẩm du lịch, điểm nhấn trong gói kích cầu du lịch Bình Liêu.
Dấu ấn di sản văn hóa không chỉ có mặt trong gói kích cầu du lịch của Bình Liêu mà còn là chủ lực trong các gói kích cầu du lịch của Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái, Vân Đồn - những trọng điểm du lịch của tỉnh. Không kể tới Vịnh Hạ Long, di sản có giá trị ngoại hạng thì Yên Tử của Uông Bí, cụm di tích nhà Trần của Đông Triều, đình Trà Cổ của Móng Cái, đình Quan Lạn của Vân Đồn… chính là căn cốt của trục du lịch tâm linh toàn tỉnh.
Gói kích cầu du lịch cuối năm của Uông Bí mà trọng tâm là chuỗi hoạt động Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu diễn ra từ tháng 10 đến nay đã kéo dòng khách trở về Yên Tử, giúp du lịch Uông Bí thêm màu sắc, du lịch tâm linh toàn tỉnh khởi sắc trở lại.
Các gói kích cầu du lịch đã được tỉnh triển khai mà di sản văn hóa là yếu tố nòng cốt đã thực sự cho thấy tính hiệu quả của nó, góp phần giúp du lịch Quảng Ninh vượt qua thời kỳ khó khăn. Đây cũng sẽ là nền tảng để đưa du lịch Quảng Ninh trở lại quỹ đạo phát triển và thăng hoa vốn có trong những năm tiếp theo.