Quảng Ninh quyết tâm trước tháng 10/2023 không còn nhà tạm, dột nát
Các huyện, thị xã, thành phố tại Quảng Ninh đang vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ các hộ gặp khó khăn về nhà ở có nhà mới trước dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023).
Quảng Ninh hiện có 246 hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát, cần hỗ trợ cải thiện, trong đó 147 nhà cần xây mới và 99 nhà cần sửa chữa. Chủ hộ là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở như người khuyết tật, neo đơn.
Trong đó, thị xã Đông Triều là địa phương thuộc diện cần xây mới, sửa chữa nhà nhiều nhất với khoảng 83 hộ; Thành phố Hạ Long và huyện Cô Tô không có hộ thuộc diện cần xóa nhà tạm...
Bà Nguyễn Thị Hải, (SN 1958 thị xã Đông Triều) mong mỏi: "Gia đình rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các cơ quan giúp đỡ cho con gái tôi làm gian nhà ở. Bây giờ toàn ở nhờ mà vừa rồi mưa dột, và nước chảy hết vào nhà".
Xóa nhà tạm, nhà ở dột nát là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân của tỉnh Quảng Ninh. Để thực hiện thành công chủ trương này, các địa phương đang huy động sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực xã hội xóa nhà ở tạm, nhà dột nát.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thị xã Quảng Yên đã huy động, tiếp nhận ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, các nhân hỗ trợ kinh phí xây nhà với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Riêng tại lễ phát động ủng hộ kinh phí xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát vừa tổ chức ngày hôm 09/6, thị xã Quảng Yên đã tiếp nhận kinh phí ủng hộ trên 3 tỷ đồng.
Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết: "Sau khi có kinh phí, chúng tôi sẽ phân bổ về các địa phương, các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ cho người dân đồng thời là kênh giám sát xây dựng nhà ở, đảm bảo đúng đối tượng với chất lượng nhà ở theo tiêu chí 3 cứng của Bộ Xây dựng".
Đến hết 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm tại Quảng Ninh còn 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh, tương ứng với 258 hộ, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu và là địa phương về đích sớm nhất cả nước về giảm nghèo.
Quảng Ninh đã xây dựng chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2023-2025 cao hơn mức quy định của Trung ương, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh còn dưới 0,05%./.