Quảng Ninh quyết tâm xóa nhà tạm, nhà nát trước dịp Quốc khánh
Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn 266 nhà thuộc diện tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát.
Chiều 14-6, UBND tỉnh Quảng Ninh họp bàn các giải pháp nhằm huy động nguồn lực xã hội để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh này.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, tỉnh còn 266 nhà thuộc diện tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát. Chủ hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là người khuyết tật, neo đơn…
Trong số này, 160 nhà cần xây mới và 106 nhà cần sửa chữa. Ước tính mỗi nhà xây mới cần hỗ trợ 80 triệu đồng, mỗi nhà sửa chữa cần hỗ trợ 40 triệu đồng. Tổng mức kinh phí cần hỗ trợ ước tính khoảng hơn 17 tỉ đồng.
Dù đặt ra mục tiêu phấn đấu sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát trước dịp Quốc khánh năm nay, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Ninh mới huy động được 4,5 tỉ đồng, đạt khoảng 26,5% kế hoạch, tức là còn thiếu hơn 12,5 tỉ đồng.
Qua nghe báo cáo của các địa phương về tình hình huy động nguồn lực xã hội cũng như những khó khăn trong việc triển khai, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Ông Huy nhấn mạnh phương châm “mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc làm cụ thể chăm lo cho cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, tạo được hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần không ngừng củng cố sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn dân.
Với phương châm đó, ông Huy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo hơn nữa, nỗ lực huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, nhanh chóng triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, neo đơn… để đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng lưu ý, công tác huy động nguồn lực hỗ trợ cần đảm bảo đúng theo đúng các quy định của pháp luật và của tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương có khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng báo cáo về Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND tỉnh để kịp thời có phương hướng, biện pháp giải quyết, tháo gỡ.