Quảng Ninh sẵn sàng hành trang trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030

Cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng GRDP ổn định là hành trang để Quảng Ninh vươn lên tầm cao mới, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Một góc Quảng Ninh. (Nguồn: Vietnamnet)

Một góc Quảng Ninh. (Nguồn: Vietnamnet)

Nâng cao chất lượng tăng trưởng

Theo báo cáo tại Hội nghị, kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm 2023, kinh tế Quảng Ninh có nhiều điểm sáng.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 8,04%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 14.870 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh, ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi tốt, đóng góp 4,04 điểm %, chiếm tỷ trọng 30,6% trong GRDP; tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 4,85 triệu lượt, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 8.555 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Tỉnh cũng đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương. Toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân toàn tỉnh; không có huyện nghèo, xã nghèo. TP. Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô không còn hộ nghèo.

Để giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, tỉnh cần tập trung vào ba trụ cột tăng trưởng là tiếp tục tái cơ cấu gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công; quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, ngân sách tập trung cho an sinh xã hội; thu hẹp chênh lệch vùng miền và các công trình có tính chất động lực lan tỏa.

Giữ vững sự ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành Than gắn với thúc đẩy tối đa sự phát triển của ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhờ sự đột phá trong thu hút vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các khu công nghiệo, khu kinh tế, trọng điểm là Quảng Yên.

Đồng thời, phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, trung tâm logistics.

Ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: "Trước mắt là khẩn trương xây dựng tuyến vận chuyển hàng giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam.

Tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng Kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính...".

Vươn lên tầm cao mới

Theo quyết định số 80 về quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành có 7 thành phố.

Như vậy, đến năm 2030, tỉnh sẽ có khu vực nội thành với 7 thành phố là Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn, đồng thời, tỉnh Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc trung ương. TP. Móng Cái sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà để trở thành một thành phố mới.

Ông Nguyễn Xuân Ký từng nhấn mạnh, mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được tỉnh chuẩn bị từ nhiều năm trước.

Trong 7 quy hoạch chiến lược, Quảng Ninh cũng đã xây dựng các điều kiện để đảm bảo thực hiện mục tiêu này. Đây là tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đồng thời là kết quả của ý chí, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh.

Vì vậy để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến hoàn thành Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình là tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Song song với đó, từng bước xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh Quảng Ninh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước, phát huy vai trò hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, đáp ứng mục tiêu phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2030, với dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn lực lớn để đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang nâng cấp đô thị và hiện đang tập trung xúc tiến hoàn thành Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.

Đơn cử như tại TP. Hạ Long, thành phố này đã và đang vươn mình mạnh mẽ trở thành đô thị hiện đại với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ như: Tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng; tuyến cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; tuyến đường 10 làn xe nối cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn với đường Hoàng Quốc Việt; nâng cấp cải tạo đường Nguyễn Văn Cừ; cải tạo nút giao thông Loong Toòng và tuyến đường Trần Hưng Đạo...

Đặc biệt, sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long, Hạ Long trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước và bước sang một giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn mới và có tính chiến lược lâu dài.

Sắp tới, những con đường mới sẽ được hình thành như: Cầu Cửa Lục 1, đường nối khu công nghiệp Việt Hưng qua khu công nghiệp Cái Lân với đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả với tầm nhìn từ vịnh Hạ Long sang Bái Tử Long và nhiều "cánh tay" nối dài khác... sẽ đưa Hạ Long xứng tầm là thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, là đô thị xanh phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Cùng với Hạ Long, Quảng Yên, hiện Quảng Ninh có hệ thống đô thị khá phát triển, với 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là TP. Hạ Long; 3 đô thị loại II là TP. Uông Bí, TP. Cẩm Phả, TP. Móng Cái; 1 đô thị loại III là TX. Quảng Yên; 2 đô thị loại IV là TX. Đông Triều, thị trấn Cái Rồng, hiện Đông Triều đang trình Bộ Xây dựng Đề án công nhận là đô thị loại III; 6 đô thị loại V là các thị trấn: Quảng Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Cô Tô.

Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2019 là 66,65%, là mức cao so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (đạt 40,43%), so với trung bình cả nước (đạt 35,74%) và là một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Các đô thị này đều là các trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh và mỗi địa phương.

Có thể khẳng định, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại là hành trang để Quảng Ninh vươn lên tầm cao mới, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, với dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quang-ninh-san-sang-hanh-trang-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-truoc-nam-2030-221523.html