Quảng Ninh tăng tốc đầu tư công
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh của tỉnh Quảng Ninh là trên 12.000 tỷ đồng, Hiện, tỉnh đã thực hiện giải ngân đạt trên 41% kế hoạch, thấp hơn so với kỳ vọng, mục tiêu đặt ra.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh của tỉnh Quảng Ninh là trên 12.000 tỷ đồng, Hiện, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân đạt trên 41% kế hoạch, thấp hơn so với kỳ vọng, mục tiêu đặt ra. UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản chỉ đạo việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, các chủ đầu tư tiếp tục đề cao trách nhiệm hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục quán triệt đầy đủ vai trò, ý nghĩa quan trọng của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Đồng thời, tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả; quyết liệt, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Mặt khác, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, kiểm kê và đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để thi công.
Tỉnh cùng nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, của tỉnh về tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất; thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu tư công đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tuyên dương các tổ chức, cá nhân, đơn vị đạt kết quả tốt trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Trong 10 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân tại Quảng Ninh chưa đạt như kỳ vọng. Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công sau điều chỉnh là gần 16.152 tỷ đồng, tăng hơn 1.871 tỷ đồng so với Kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm (gần 14.281 tỷ đồng). Tuy nhiên, vốn giải ngân đến toàn tỉnh chỉ đạt gần 5.000 tỷ đồng đạt 35% kế hoạch vốn HĐND giao đầu năm, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (44,6%).
Trong số đó, ngân sách Trung ương giải ngân 272.268/517.720 triệu đồng, đạt 52,6% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ (92,5%); ngân sách cấp tỉnh đạt 1.416.124/6.540.904 triệu đồng, đạt 22% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ (37,5%), ngân sách huyện đạt 3.311.078/9.093.201 triệu đồng, đạt 36,4% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (46%).
Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ bố trí khoảng 13.400 tỷ đồng cho đầu tư công, tăng 1.200 tỷ đồng so với năm 2024. Theo Nghị quyết số 76/NQ-HĐND ngày 9/12/202 của HĐND tỉnh, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Quảng Ninh là 92.155 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua quá trình điều chỉnh, bổ sung các nguồn vốn phát sinh, hiện tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là 95.752 tỷ đồng, cao hơn 3.597 tỷ đồng so với đầu kỳ, tăng 26.647 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020.
Từ những tính toán nguồn thu ngân sách và nhu cầu sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch, trình HĐND tỉnh và đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 212/NQ-HĐND ngày 10/7/2024, với tổng nguồn vốn đầu tư công dự kiến năm 2025 là trên 13.400 tỷ đồng, bao gồm vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương trên 557 tỷ đồng; vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương trên 12.800 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư công này sẽ được phân bổ bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng miền; trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư công năm 2025 sẽ phân bổ đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn; bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư sau phân cấp, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nguồn vốn đầu tư công năm 2025 sẽ có thứ tự ưu tiên phân bổ cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản (nếu có); thu hồi vốn ứng; các dự án đã quyết toán, dự án đã hoàn thành, đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn thực hiện các dự án chuyển tiếp, đặc biệt các dự án trọng điểm, động lực có tầm ảnh hưởng lớn; các dự án chuyển tiếp sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng) để hoàn thành dứt điểm; các chương trình, dự án theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh; vốn chuẩn bị đầu tư, thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; vốn cho các dự án khởi công mới; trong đó, tập trung cho các dự án trọng điểm còn lại.
Dự kiến nguồn ngân sách trung ương sẽ được phân bổ cho dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến Đông Triều (giai đoạn 1).
Nguồn ngân sách tỉnh sẽ dành 310 tỷ đồng cho các dự án hoàn thành trước năm 2023 chưa bố trí đủ vốn, dành trên 5.600 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp và trên 2.000 tỷ đồng cho các dự án khởi công mới.
Dự kiến, trong năm 2025, ngoài 39 dự án chuyển tiếp, tỉnh Quảng Ninh sẽ có khoảng 10 dự án khởi công mới thuộc các ngành, lĩnh vực, theo đó ngành giao thông sẽ có 2 dự án; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1 dự án; giáo dục và đào tạo 1 dự án; y tế 2 dự án; văn hóa 1 dự án.../.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quang-ninh-tang-toc-dau-tu-cong/354632.html