Quảng Ninh trở thành 'đầu tàu' của cả nước về kiểm soát tham nhũng
Quảng Ninh đã đạt hơn 8,2/10 điểm về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2020. Đây là điểm số cao nhất trong lịch sử 10 năm qua của PAPI.
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là nội dung được quan tâm nhất trong báo cáo đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020.
Điểm chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, kết quả này là nhờ vào điểm số cao và tỷ lệ tăng trưởng liên tục của Quảng Ninh-địa phương đứng đầu. Sự thay đổi này phần nào phản ánh tác động của chiến dịch phòng chống tham nhũng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay.
Bức tranh "chuyển màu"
Khi so sánh trong cả quá trình 10 năm kể từ khi bắt đầu khảo sát đại trà 63 tỉnh, thành có thể thấy được mức độ tăng trưởng kiểm soát tham nhũng trong khu vực công khá ấn tượng. Trung bình mỗi một năm, các tỉnh thành tăng 3 %/năm cho chỉ số này trong 10 năm qua, trong khi mức độ tăng trưởng chung của tất cả các chỉ số PAPI chỉ là 1%.
Trong khi các tỉnh như Lạng Sơn, Sơn La, Sóc Trăng, Bình Định hầu như không có thay đổi về chỉ số kiểm soát tham nhũng, thậm chí Lạng Sơn là tỉnh duy nhất thụt lùi thì ngược lại, có những tỉnh, thành lại rất xuất sắc trong kiểm soát tham nhũng như Cao Bằng tăng gần 10%/năm và Quảng Ninh tăng gần 8%/năm trong vòng 10 năm qua.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã đạt hơn 8,2/10 điểm về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2020 và là điểm số cao nhất trong lịch sử 10 năm qua của PAPI. Năm 2020, Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu cả nước về mức độ hiệu quả trong kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức.
“Với đà tăng trưởng về kiểm soát tham nhũng liên tục hàng năm, Quảng Ninh có thể coi là tỉnh ‘đầu tàu’ đã kéo độ tăng trưởng trung bình của cả nước trong 10 năm qua lên mức 3%/năm. Tôi nghĩ đây là một kết quả đáng khích lệ, một minh chứng tốt mà tốt cho những cố gắng chống tham nhũng của Nhà nước trong thời gian qua,” tiến sỹ Đặng Hoàng Giang nói.
Trong năm 2020, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là một trong những nội dung tăng trưởng mạnh nhất, tốt nhất của PAPI. Khi so sánh giữa 2020 và 2019, có tới 2/3 các tỉnh thì có tăng trưởng dương; 18 tỉnh, thành có mức tăng đáng kể trên 5%.
Trong số 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm đạt điểm cao nhất có 7 tỉnh phía Nam, 5 tỉnh miền Trung và 4 tỉnh phía Bắc. Trong những năm trước, phần lớn các địa phương trong nhóm điểm cao nằm ở phía Nam, cụ thể là Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2018 và 2019. Thế nhưng năm 2020, “bức tranh vùng miền” này đã bị phá vỡ khi có khá nhiều nhóm điểm cao xuất hiện ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
“Có thể nói các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã đuổi kịp các tỉnh phía Nam trong kiểm soát tham nhũng. Hoặc có thể các tỉnh phía Nam đã tụt hậu lại trong kiểm soát tham nhũng nên các tỉnh này không còn áp đảo như trước nữa mặc dù cũng vẫn còn rất nhiều các tỉnh tập trung ở phía Nam,” tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho hay.
Vẫn còn tình trạng "nền kinh tế người quen"
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được đo lường về biểu hiện, hành vi nhận hối lộ trong cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ công và hiện trạng "vị thân" khi tuyển dụng nhân sự vào khu vực Nhà nước.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng đã thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng kể từ Đại hội Đảng tháng 1/2016, đáng lưu ý là một số quan chức lãnh đạo cấp trung ương đã bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ 2016-2021. Dưới góc nhìn của người dân, công cuộc chống tham nhũng này đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương.
Khi đánh giá về chủ nghĩa “vị thân” khi xin việc vào khu vực Nhà nước với 5 vị trí công chức địa chính, giáo viên tiểu học, công chức tư pháp, nhân viên văn phòng ủy ban, công an ở cấp xã, phường, thị trấn thì xu hướng đánh giá của người dân cho thấy rõ sự thay đổi rõ rệt giữa 2 giai đoạn năm 2011-2015 và năm 2016-2020.
Nếu như trong nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2015, chỉ số này đánh giá về hiện trạng "vị thân" trong tuyển dụng nhân sự vào khu vực Nhà nước tăng lên liên tục qua từng năm thì xu hướng này lại bắt đầu đảo chiều, giảm dần đều từ năm 2016 khi bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ tiếp theo.
Các chuyên gia nhận định nguyên nhân có thể do các cấp chính quyền chú trọng hơn tới công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức. Tuy nhiên, mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào Nhà nước làm việc.
“Mặc dù có xu hướng giảm dần nhưng mức độ đánh giá về tầm quan trọng của quan hệ cá nhân khi xin vào khu vực Nhà nước còn rất là cao, từ 65-70 %. Người dân cho rằng là phải có sự quan hệ, phải quen biết một ai đấy thì mới có thể có cơ hội để được vào những vị trí công việc trong Nhà nước,” tiến sỹ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Cũng đánh giá về biểu hiện và hành vi nhận hối lộ trong cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ công bắt đâu giảm dần từ năm 2016, tiến sỹ Paul Schuler, chuyên gia về đo lường quản trị, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI, UNDP Việt Nam cho biết: “Tỷ lệ người được hỏi cho rằng hối lộ là cần thiết để có việc làm trong cơ quan nhà nước, khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện,quận, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi muốn con em được giáo viên tiểu học trường công lập quan tâm hơn và khi làm giấy phép xây dựng tiếp tục giảm.”
Khi đi vào từng lĩnh vực, kết quả khảo sát về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công cho thấy nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chiều hướng tiếp tục gia tăng sau khi giảm vào năm 2018. Ngược lại, từ 2018-2020, rất ít trường hợp phải chi thêm tiền “bôi trơn” để bản thân hoặc người thân trong gia đình được chăm sóc, điều trị tốt hơn ở bệnh viện công tuyến huyện, quận.
Theo tiến sỹ Paul Schuler, sự khác biệt giữa trải nghiệm thực tế của những người đã dùng dịch vụ công và cảm nhận của người dân nói chung về nhũng nhiễu, hối lộ có thể là do tác động của truyền thông về công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, hoặc có thể là do hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ giảm dần. Do đó, các báo cáo sau sẽ cần nghiên cứu sâu hơn về mức độ chênh lệch này để tìm ra giải pháp khắc phục./.
Trong 10 năm qua, chỉ số PAPI trong sáu lĩnh vực nội dung gốc: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Từ năm 2018, Chỉ số PAPI đo lường thêm hai chỉ số nội dung mới: Quản trị môi trường và quản trị điện tử.