Quảng Ninh: Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương
Giai đoạn 2016 – 2021, với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh Quảng Ninh đã từng bước được thu hẹp.
Nâng cao đời sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Theo báo cáo tổng kết hoạt động HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, tổng chi cho an sinh xã hội trong 5 năm của tỉnh Quảng Ninh ước đạt hơn 8,9 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015; bố trí hơn 2,6 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (giai đoạn 2) và triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công (giai đoạn 2) với gần 4.000 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách.
Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm được triển khai hiệu quả; nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân tại địa bàn khó khăn được nâng lên; nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,9% (đạt chỉ tiêu dưới 4%).
Đáng chú ý, với quyết tâm đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và công trình hạ tầng khác phù hợp quy hoạch nông thôn mới...
Kết quả đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra. Đồng thời, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn , thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn
HĐND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định nhiều chủ trương, biện pháp phát huy tiềm năng của địa phương để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc . Dành nguồn lực đầu tư hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống cảng biển và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo được đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các kỳ họp HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng, nhiều chính sách thiết thực, đặc biệt là chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện. Nhờ đó mà đồng bào có được đời sống ấm no hơn, kinh tế phát triển hơn, đường nông thôn mới đến tận ngõ, sạch đẹp, khang trang, thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất, con em đến trường…
Tại kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, từng bước đi, chính sách của địa phương cần thể hiện rõ tính gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị và nông thôn; giữa phát triển dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giảm chênh lệch vùng miền, bảo tồn di sản; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển.