Quảng Tây ghi nhận đề xuất xử lý ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu
Phía Quảng Tây cho biết sẽ kéo dài thời gian thông quan trên cơ sở tính toán, bàn bạc và thống nhất của chính quyền địa phương hai bên cửa khẩu, đồng thời báo cáo cấp trên những đề xuất từ phía Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 26/12, sau một loạt chuyến công tác đến các tỉnh biên giới phía Bắc, chiều 31/12, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng tiến hành Hội đàm trực tuyến với Sở Công Thương Quảng Tây để trao đổi các biện pháp khẩn cấp nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới với Quảng Tây hiện nay.
Tại buổi hội đàm, chia sẻ với áp lực phòng chống dịch của Quảng Tây trong bối cảnh Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid”, nhưng Bộ Công Thương cho rằng, các biện pháp phòng chống dịch mà Quảng Tây đang áp dụng như tạm dừng hoạt động cửa khẩu hay tạm dừng nhập khẩu một số chủng loại trái cây là quá mức cần thiết, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thương mại song phương và gây tổn thất to lớn cho doanh nghiệp, người dân của cả hai bên.
Trước thực trạng hiện nay, Bộ Công Thương cùng Sở Công Thương một số tỉnh biên giới đã đề nghị các biện pháp cụ thể để góp phần tháo gỡ tình trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực biên giới. Trong đó đề nghị phía Trung Quốc khôi phục lại ngay việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đang tạm dừng, đồng thời tăng thời gian thông quan tại tất cả các cửa khẩu.
Đề nghị phía Trung Quốc thống nhất phương án sử dụng và bổ sung lái xe chuyên trách tại mỗi bên; đồng ý cho thí điểm đưa lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 tại các địa phương biên giới Việt Nam sang làm việc tại khu vực cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lái xe và nhân công bốc xếp.
Ngoài việc phối hợp, khuyến khích các doanh nghiệp hai bên thực hiện thông quan qua các cửa khẩu đường sắt, đường biển; tiếp tục tạo thuận lợi thông quan cho mặt hàng thanh long xuất khẩu của Việt Nam… Bộ Công Thương cũng đề nghị phía Quảng Tây thường xuyên cập nhật kế hoạch hoạt động của các cửa khẩu trên địa bàn, đồng thời phối hợp rà soát, hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo thuận lợi, thông suốt và hiệu suất cao, chống ùn tắc.
Phản hồi những kiến nghị của Bộ Công Thương Việt Nam, Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây đánh giá cao đề xuất tổ chức họp giải quyết ùn tắc hàng hóa của Bộ Công Thương. Đồng thời giải thích Trung Quốc coi trọng chống dịch, đặt an toàn, tính mạng người dân lên hàng đầu nên đã siết chặt biện pháp phòng dịch tại cửa khẩu.
Đại diện Quảng Tây đề nghị Việt Nam cùng tăng cường công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu, trao đổi thông tin về việc quản lý tại cửa khẩu và các tuyến đường giao thông, sớm hoàn thành việc mở rộng bãi Xuân Cương tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị. Phía Quảng Tây cho biết, sẽ kéo dài thời gian thông quan trên cơ sở tính toán, bàn bạc và thống nhất của Chính quyền địa phương hai bên cửa khẩu. Đối với những đề xuất của phía Việt Nam, Sở Thương mại Quảng Tây ghi nhận và sẽ báo cáo cấp trên.
Trước đó, ngày 29/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có 4 Công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Tây và Bí thư tỉnh ủy Vân Nam về vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới giữa hai nước.
Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Trung Quốc thực hiện nhận thức chung về việc “duy trì dòng chảy hàng hóa” và “duy trì kết nối chuỗi cung ứng” như đã được đề cập trong các cuộc điện đàm song phương giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và trong các Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao, đặc biệt ASEAN+3 tháng 4/2020 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc tháng 11/2021. Bộ trưởng cũng đề xuất phía Trung Quốc và các địa phương biên giới cùng nhau trao đổi, thống nhất quy trình thông quan phòng dịch an toàn nhưng vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt tại cửa khẩu.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang thông qua tất cả các kênh hợp tác để trao đổi, thúc đẩy các Bộ, ngành và địa phương Trung Quốc phối hợp triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ ách tắc cho hàng hóa tại khu vực biên giới./.