Quảng Trị bảo tồn hệ thống dẫn thủy cổ, độc đáo ở Gio An

Khi đến thăm hệ thống giếng cổ Gio An ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, còn gọi hệ thống dẫn thủy cổ, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng đánh giá, đây là những công trình kiến trúc có một không hai với mạch nước ngầm, kỹ thuật sắp xếp đá cùng với hệ sinh thái cây xanh bao quanh, tiêu biểu là cây rau liệt. Tỉnh Quảng Trị đang lập quy hoạch để bảo tồn, khai thác hệ thống dẫn thủy cổ, hiếm có này nhằm phục vụ du lịch.

Giếng Trạng ở làng An Nha dẫn mạch nước ra bên ngoài phục vụ sinh hoạt hằng ngày qua máng đá.

Giếng Trạng ở làng An Nha dẫn mạch nước ra bên ngoài phục vụ sinh hoạt hằng ngày qua máng đá.

Đặc điểm kỹ thuật nổi bật của hệ thống dẫn thủy cổ Gio An là được xây dựng theo phương thức xếp kè đá nhằm dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống. Tiền nhân ở vùng đất này đã chọn các vị trí ở phần chân các quả đồi cao, nơi có hệ thống nước tự nhiên để xếp đá làm kè, tạo ra các giếng lấy nước, bể lắng, vách ngăn hay các máng dẫn nước bằng đá rất kỳ công thông qua kỹ thuật chế tác gọt, đẽo.

14 giếng cổ độc đáo

Hệ thống dẫn thủy cổ ở Gio An trước đây có gần 100 giếng nước, do bom đạn của chiến tranh tàn phá, đến nay còn lại không nhiều, trong đó có 14 giếng được chọn ra để quy hoạch bảo tồn với các tên gọi khá lạ lẫm, khiến không ít người tò mò khi mới được nghe đến: Giếng Ông, giếng Bà...

Giếng Ông ở thôn Hảo Sơn. Ba cực chủ đạo tạo thành giếng cổ là đá, nước ngầm và cây rau liệt.

Giếng Ông ở thôn Hảo Sơn. Ba cực chủ đạo tạo thành giếng cổ là đá, nước ngầm và cây rau liệt.

Ngày xưa giếng Ông chỉ dành cho đàn ông tắm, còn giếng Bà thì của các bà tắm. Còn những tên giếng khác mới nghe như cả huyền thoại, những câu chuyện cổ tích: Giếng Trạng, giếng Tiên, giếng Đào, giếng Son, giếng Gai, giếng Kình…Tất cả những di sản được quá khứ trao truyền còn gìn giữ đến hôm nay ít nhiều đã nói lên chủ nhân của vùng đất Gio An có đời sống văn hóa, tinh thần rất phong phú.

Những ngày trời nắng gay gắt vừa bước chân xuống giếng Trạng ở làng An Nha không khó để nhiều người cảm nhận được nguồn nước ngầm từ trong lòng đất, vách đá tuôn ra mát lành. Mạch ngầm ấy vẫn cứ chảy không ngừng nghỉ hàng nghìn năm nay, lúc nào cũng tạo ra cho cộng đồng chung quanh có cảm giác khoan khoái dễ chịu.

Đẫm mình cùng giếng cổ, con người như được tiêu tan đi cái bực dọc, nóng bỏng, mệt mỏi và căng thẳng của cuộc sống để nhận lấy cái nhẹ nhàng, thư thái, nguồn năng lượng dồi dào trong không gian tự nhiên của giếng cổ đang lan tỏa. Giếng Trạng nằm ở phía bìa làng An Nha, có kiến trúc độc đáo với ba chiếc máng bằng đá để dẫn nước và một bể lắng phía dưới.

Đẫm mình cùng giếng cổ, con người như được tiêu tan đi cái bực dọc, nóng bỏng, mệt mỏi và căng thẳng của cuộc sống để nhận lấy cái nhẹ nhàng, thư thái, nguồn năng lượng dồi dào trong không gian tự nhiên của giếng cổ đang lan tỏa. Giếng Trạng nằm ở phía bìa làng An Nha, có kiến trúc độc đáo với ba chiếc máng bằng đá để dẫn nước và một bể lắng phía dưới. Giếng rộng chừng 15m, chung quanh được gắn từng hòn đá cuội khá lớn bằng nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Mùa hè khi ngâm mình trong dòng nước giếng cổ sẽ cảm nhận được sự mát mẻ, dịu dàng da thịt.

Du khách trong và ngoài nước ấn tượng khi trải nghiệm giếng Đào ở thôn An Nha.

Du khách trong và ngoài nước ấn tượng khi trải nghiệm giếng Đào ở thôn An Nha.

Mùa xuân, trên nền mạch ngầm ấy lại là dòng nước ấm áp; xa xa làn hơi ấm phảng phất như sương sớm đang bao quanh giữa ruộng rau liệt xanh mượt mà, loại rau chỉ sống được bằng thứ nước suối ngầm trong veo, không tạp chất.

Hệ thống dẫn thủy cổ ở Gio An có hai loại hình kiến trúc chính: Giếng có nhiều bậc cấp và giếng có bể lắng. Với giếng nhiều bậc cấp thì bậc cao nhất là bể lắng, tiếp đến là bộ phận tràn và bể chứa có hình tròn hay bầu dục được xếp đá chung quanh. Nước được dẫn xuống bên ngoài phục vụ sinh hoạt hằng ngày qua máng đá. Phần tiếp theo của giếng là bể chứa thường sâu khoảng 0,5m, rộng từ 15 đến 20m. Cuối cùng là kênh mương dẫn nước từ bể chứa ra ruộng đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Loại giếng thứ hai có kiến trúc đơn giản hơn là chỉ có bể lắng, chiều dài giếng gần 10m, chiều sâu khoảng 0,5m được kè đá chung quanh vách ở ba phía. Với những giếng có bể lắng thì phía trong được gọi là đầu giếng. Từ đầu giếng đến khoảng một phần ba chiều dài của giếng được người xưa ngăn lại và ngày nay vẫn còn gìn giữ để làm nơi lấy nước uống hằng ngày, cũng là nơi linh thiêng nên không ai được vào đó tắm giặt.

Mọi sinh hoạt của người dân địa phương được bắt đầu từ hai phần ba giếng trở ra. Sau khi nước ngầm chảy ra khỏi diện tích của bể lắng thì đổ thẳng ra ruộng rau liệt ở phía ngoài.

Đặc biệt, cấu tạo địa chất và phong thủy cho hai loại hình kiến trúc của hệ thống dẫn thủy cổ chỉ có ba cực chủ đạo là đá, nước ngầm và cây rau liệt, còn lại không có bùn đất.

Đặc biệt, cấu tạo địa chất và phong thủy cho hai loại hình kiến trúc của hệ thống dẫn thủy cổ chỉ có ba cực chủ đạo là đá, nước ngầm và cây rau liệt, còn lại không có bùn đất.

Đã từ lâu những câu chuyện về cái lạ, độc đáo của hệ thống dẫn thủy cổ Gio An làm tiêu tốn không biết bao bút mực, công sức của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Với những giá trị độc đáo đó, hệ thống dẫn thủy cổ Gio An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia từ năm 2001. Ngày 23/9/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cho phép tỉnh lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho hệ thống dẫn thủy cổ Gio An.

Nguồn nước được dẫn ra khỏi giếng cổ tưới cho ruộng rau liệt sống trên đá xanh tốt.

Nguồn nước được dẫn ra khỏi giếng cổ tưới cho ruộng rau liệt sống trên đá xanh tốt.

Ứng xử khôn khéo, thông minh của con người

Trong xu hướng đi tìm điểm mới lạ để trải nghiệm, du khách trong nước và nước ngoài đã chọn hệ thống dẫn thủy cổ Gio An là điểm đến rất độc đáo, hấp dẫn trên bản đồ du lịch. Ngày cao nhất xã Gio An đón gần 1.000 du khách đến thăm các giếng cổ này. Tại chương trình Caravan du lịch 2023 với chủ đề sắc mầu Quảng Trị do Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Quảng Trị tổ chức, các du khách và nhà làm tour đến từ Thái Lan, Lào đã rất hài lòng khi trải nghiệm hệ thống dẫn thủy cổ Gio An cũng như thưởng thức ẩm thực của vùng đất này, từ đó bản đồ du lịch Gio An với điểm nhấn là hệ thống dẫn thủy cổ đã được các nhà làm tour đưa vào hành trình.

Để phát huy và khai thác giá trị hiếm có của hệ thống dẫn thủy cổ Gio An, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích này với 14 giếng cổ. Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Nguyễn Quang Chức cho biết, hệ thống những công trình dẫn thủy cổ ở Gio An do các thế hệ người dân nơi đây, thuộc nhiều thành phần tộc người đã không ngừng lao động, sáng tạo, cải tạo tự nhiên và liên tục kế thừa những thành tựu văn hóa của nhau trong lĩnh vực khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống, trong đó có thành quả quan trọng của một bộ phận cư dân Champa đã để lại hệ thống giếng cổ như những công trình kiến trúc độc đáo.

Hệ thống dẫn thủy cổ là minh chứng lịch sử của quá trình hình thành và phát triển lâu đời từ hậu kỳ đá mới, tiền Champa, Champa cho đến người Việt của vùng đất Quảng Trị.

Thông qua nghiên cứu các giếng cổ, nhiều công trình đã chứng minh sự tồn tại của nhiều thế hệ chủ nhân, trong đó dấu ấn đậm nét cũng là muộn nhất gắn liền với hành trình khai phá vùng đất Cồn Tiên của Chúa Nguyễn Hoàng sau năm 1572.

Từ người Champa đến người Việt, trải qua thời gian tạo lập và kế thừa sử dụng, hệ thống dẫn thủy cổ Gio An đã trở thành một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, sản phẩm văn hóa đặc sắc, độc đáo, thể hiện lối ứng xử khôn khéo, thông minh của con người trước tự nhiên nhằm khai thác tốt những tiềm năng vốn có của vùng đất mà họ gắn bó để phục vụ cuộc sống.

Du khách trong và ngoài nước thưởng thức ẩm thực bản địa sau khi trải nghiệm hệ thống giếng cổ Gio An.

Du khách trong và ngoài nước thưởng thức ẩm thực bản địa sau khi trải nghiệm hệ thống giếng cổ Gio An.

Trên cơ sở xác định đặc trưng và những giá trị độc đáo của hệ thống dẫn thủy cổ, phạm vi lập quy hoạch di tích được tỉnh xác định khoảng hơn 5.755 ha trong đó có khu vực diện tích của 14 giếng cổ là 3,74 ha. Phần diện tích còn lại là vùng ảnh hưởng tới sự hình thành, phát triển hệ thống giếng cổ, diện tích vùng đệm bảo vệ mạch ngầm, ranh giới của di tích trên cơ sở đất hiện có và nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di tích; khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch cộng đồng, khu mở rộng khoanh vùng bảo vệ di tích; kiến nghị về việc điều chỉnh các khu vực bảo vệ di tích; bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích trong hệ sinh thái phục vụ khai thác phát triển dịch vụ du lịch.

Mục tiêu của việc lập quy hoạch là nhằm bảo quản, giữ gìn hệ thống công trình dẫn thủy cổ một cách bền vững trước những tác động của tự nhiên và xã hội; kết nối các công trình trong hệ thống thác nước cổ Gio An để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử đặc biệt của Quảng Trị, cũng như của Việt Nam; góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch, biến di tích thành những giá trị năng động, phục vụ hoạt động du lịch vừa tạo điều kiện cho hoạt động bảo tồn, vừa nâng cao đời sống cho người dân trong vùng di sản.

Theo ông Nguyễn Quang Chức, quy hoạch nhằm tạo điều kiện phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các hoạt động tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của khách du lịch trong nước và quốc tế. Ai cũng thừa nhận ngoài sự độc đáo của kiến trúc thì cái đẹp của hệ thống dẫn thủy cổ là không gian của di tích.

Vì vậy quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, tái hiện các đặc trưng của di tích, bảo tồn cảnh quan gắn với không gian lịch sử của di tích. Các homestay đón khách du lịch theo mô hình xây dựng các tuyến tái hiện cấu trúc khuôn viên nhà người Champa cùng cộng đồng người Việt đang được cộng đồng dân cư Gio An dựng lên đang tạo sự thích thú cho du khách khi đến điểm du lịch này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quang-tri-bao-ton-he-thong-dan-thuy-co-doc-dao-o-gio-an-post805674.html