Quảng Trị cần nguồn lực để di dời dân ra khỏi vùng sạt lở đất
Tỉnh Quảng Trị đã và đang cần di dời nhiều hộ dân ra khỏi vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở đất, nhưng thiếu kinh phí để thực hiện.
Tỉnh Quảng Trị đã và đang cần di dời nhiều hộ dân ra khỏi vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở đất, nhưng thiếu kinh phí để thực hiện.
Theo khảo sát, tỉnh Quảng Trị có 241 vị trí sạt lở; trong đó có 27 vị trí quy mô lớn, 4 vị trí quy mô rất lớn và đặc biệt lớn. Sạt lở đất đá ở Quảng Trị thường xảy ra dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Mật độ vị trí sạt lở toàn tỉnh không cao, nhưng mức độ tập trung ở một vài địa bàn lại rất dày. Điển hình là ở huyện miền núi Hướng Hóa có 147 điểm sạt lở, chiếm đến 61% tổng số vị trí sạt lở đất ở Quảng Trị.
Trong đợt lũ lụt lịch sử vào tháng 10 vừa qua, Quảng Trị có gần 30/53 người chết do sạt lở đất ở huyện miền núi Hướng Hóa, tập trung ở các xã: Hướng Phùng, Húc, Hướng Việt. Ngay trong và sau các đợt lũ lụt, tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương rà soát số hộ sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng xung yếu để khẩn trương di dời nhằm đảm bảo an toàn. Minh chứng là sau mưa lũ, núi Ta Bang ở thôn Ra Ly - Rào, xã Hướng Sơn, huyện miền núi Hướng Hóa bị nứt dài khoảng 200m, vết nứt rộng từ 0,5 - 1m, gây nguy cơ sạt lở rất cao, ảnh hưởng đến sự an toàn của 45 hộ với 171 khẩu sinh sống dưới chân núi. Đầu tháng 12/2020, những hộ dân này đã được chính quyền và nhà tài trợ hỗ trợ di dời đến nơi an toàn và xây dựng mỗi căn nhà trị giá 100 triệu đồng để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị vẫn còn hàng trăm hộ sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, cần di dời tái định cư để đảm bảo an toàn. Trước mắt, tỉnh cần di dời khẩn cấp 39 hộ với 190 nhân khẩu ở 3 xã của huyện miền núi Hướng Hóa gồm: Hướng Sơn 13 hộ với 57 nhân khẩu, Hướng Lập 8 hộ với 25 nhân khẩu và Húc 18 hộ với 108 nhân khẩu.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị cần di dời tái định cư thêm 1.530 hộ sinh sống ở vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng xung yếu. Khó khăn nhất hiện nay là nhu cầu di dời, tái định cư để phòng tránh thiên tai rất nhiều, trong khi nguồn vốn bố trí của Nhà nước hàng năm quá thấp, chỉ đáp ứng 15% - 20% so với nhu cầu thực tế. Tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan tâm bố trí kinh phí để triển khai các dự án di dời, tái định cư cho người dân sống ở vùng nguy cơ sạt lở đất và vùng xung yếu, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với nhu cầu vốn lên đến trên 512 tỷ đồng.