Quảng Trị: Đakrông sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa
Năm 2023, huyện Đakrông sử dụng hơn 11,1 tỷ đồng cho các hoạt động bảo tồn lễ hội truyền thống; hỗ trợ các nghệ nhân người dân tộc thiểu số; khởi công mới 3 công trình văn hóa...
Theo thống kê của UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm 2023, huyện đã sử dụng hơn 11,1 tỷ đồng, khởi công mới 3 công trình.
Nguồn vốn từ Chương trình được sử dụng vào các nội dung: Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số địa phương, khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch (200 triệu đồng); Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận (112 triệu đồng); Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể (61 triệu đồng)…
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với kinh phí 500 triệu đồng; Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 210 triệu đồng; Hỗ trợ trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 800 triệu đồng.
Trước đó, trong năm 2022, cũng từ nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Đakrông đã sử dụng gần 5,85 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp 13 công trình thiết chế văn hóa thể thao thôn, xã. Nhờ đó, 66 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhà sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 94,28%.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp 673 triệu đồng, huyện Đakrông đã sử dụng để hỗ trợ nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số lưu truyền văn hóa truyền thống 13 triệu đồng; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống 50 triệu đồng; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ số 610 triệu đồng.
Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn phổ biến triển khai thực hiện các nội dung Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhân dân trên địa bàn huyện bước đầu hiểu và nhận thức đúng đắn về văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô.
Đồng thời, các đội văn nghệ tại các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thành lập và hoạt động sôi nổi vào các dịp lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của các địa phương.
Đặc biệt, một số loại hình văn hóa phi vật thể như: Dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng, các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ… của đồng bào dân tộc thiểu số đã được các nghệ nhân sưu tầm và lưu truyền. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng cấp xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa theo hướng chuẩn hóa, dần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư.