Quảng Trị đẩy tiến độ xây dựng đường dây truyền tải điện
Đường dây truyền tải điện tại Quảng Trị thường xuyên trong tình trạng quá tải, dù mới chỉ có một số dự án trong hàng trăm dự án quy hoạch đi vào vận hành.
Nguồn điện năng lớn, đường dây quá tải
Thống kê của Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến nay, riêng lĩnh vực điện gió, trên địa bàn tỉnh có trên 70 dự án, tổng công suất dự kiến trên 3.600 MW. Trong đó, một số dự án đã vận hành thương mại, nhưng chỉ có một đường dây 110 kV công suất 130 MW thu gom, truyền tải điện từ Lao Bảo về TP. Đông Hà và thường xuyên phải vận hành trong tình trạng đầy tải, quá tải.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, hệ thống dự án công nghiệp năng lượng đang vận hành ổn định trên địa bàn tỉnh có khả năng cung cấp nguồn điện rất lớn, song bất cập là đường truyền tải điện tại địa bàn chưa đáp ứng đủ, dẫn đến “thừa” điện.
Ông Đồng cho biết, Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035 đã được phê duyệt tại Quyết định số 4965/QĐ-BCT ngày 27/12/2018 của Bộ Công thương, trong đó dự báo nhu cầu điện; quy hoạch phát triển lưới điện 220 kV, 110 kV; lưới điện trung áp các giai đoạn.
Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Quảng Trị có 3 dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch với tổng công suất 149,5 MWp, trong đó, 1 dự án đã vận hành thương mại (Dự án Điện mặt trời LIG - Quảng Trị, công suất 49,5 MWp) và 2 dự án đang xây dựng. Ngoài ra, có 13 dự án do UBND tỉnh Quảng Trị bổ sung với tổng công suất gần 900 MWp.
Về lĩnh vực điện gió, Quảng Trị có 17 dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 608 MW, trong đó có 2 dự án (Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2) đã vận hành thương mại từ năm 2017. Tỉnh Quảng Trị bổ sung 50 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 2.522,15 MW.
Với nguồn điện phong phú gồm điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí, nhiệt điện khí…, Quảng Trị đang có những điều kiện rất tốt để trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại khu vực. Dự kiến, trong thời gian tới, công suất phát của các dự án đã đầu tư và phê duyệt tại Quảng Trị lên đến gần 10.000 MW.
Giải bài toán “thừa” điện
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho hay, để khắc phục tình trạng đường dây truyền tải điện thường xuyên phải vận hành trong tình trạng đầy tải, quá tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia triển khai xây dựng Dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo.
Đây là dự án rất cần thiết nhằm giải tỏa công suất điện của các nhà máy điện gió ở phía Tây tỉnh Quảng Trị lên hệ thống điện quốc gia, đồng thời là dự án cấp bách trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia. Ngoài xây dựng mới một số trạm biến áp, Dự án sẽ xây dựng đường dây 220 kV mạch kép Đông Hà - Lao Bảo với tổng chiều dài khoảng 46,4 km, gồm 120 vị trí cột, đi qua các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đắk-rông và Hướng Hóa, nhưng đến nay, 120/120 vị trí móng chưa được phê duyệt phương án bồi thường, phần hành lang an toàn của 120 cột cũng chưa được kiểm kê.
Trước nguy cơ dự án bị vỡ tiến độ (tiến độ đặt ra là hoành thành trong quý I/2021) do địa hình, địa thế đồi núi gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thi công, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cuộc làm việc với các đơn vị thi công nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Thời gian tới, các địa phương, các ngành trong tỉnh cần vào cuộc quyết liệt để giải phóng mặt bằng. Đề nghị chủ đầu tư phối hợp các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền. Đối với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền, thì báo cáo UBND tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người dân. Đối với những trường hợp kiên quyết bất hợp tác trong quá trình giải phóng mặt bằng, có thể triển khai biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định”, ông Hà Sỹ Đồng chỉ đạo.
Ông Lê Quang Vĩnh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cho biết: “Theo tiến độ, các dự án điện gió phía Tây Quảng Trị sẽ được vận hành vào đầu năm 2021 với công suất đạt 2.000 - 2.500 MW; năm 2022 lên mức 4.000 MW. Nếu không giải quyết được thêm đường dây truyền tải, sẽ trở thành điểm nóng về “thừa” điện. Địa phương kỳ vọng, cuối năm 2020, khi đường dây 220 KV (Lao Bảo - Đông Hà) hoàn thành, sẽ giải được bài toán “thừa” điện hiện nay”.