Quảng Trị: Hiệu quả từ những mô hình bảo vệ môi trường tại trường học
Được triển khai sâu rộng từ bậc Mầm non đến Phổ thông, trong nội dung chính khóa và hoạt động ngoại khóa, những mô hình bảo vệ môi trường góp phần thay đổi hành vi, nhận thức của học sinh ở Quảng Trị.
Các mô hình bảo vệ môi trường trong các đơn vị trường học của tỉnh Quảng Trị đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Được triển khai sâu rộng từ bậc Mầm non đến Phổ thông, trong nội dung dạy học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoại khóa, những mô hình này đã góp phần thay đổi hành vi và nhận thức của học sinh. Qua đó, chung tay bảo vệ môi trường, vì một thế giới “xanh, sạch đẹp,” hạn chế rác thải.
Đối với phụ huynh và học sinh Trường Mầm non xã Xy (huyện miền núi Hướng Hóa), 2023-2024 là một năm học có nhiều điểm đặc biệt khi nhà trường triển khai mô hình “Trường học nói không với túi nylon.”
Xuất phát từ thực tế mỗi ngày phụ huynh phải sử dụng túi nylon để đựng áo quần, đồ bẩn cho các cháu, với mong muốn hạn chế túi nylon, các cô giáo của trường đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí hỗ trợ mua vải thổ cẩm và tranh thủ những giờ nghỉ, buổi tối để cắt, may túi đựng để tặng học sinh. Khi có túi vải để dùng, học sinh sẽ không cần phải sử dụng túi nylon nữa. Đây là một cách làm mới sáng tạo trong bảo vệ môi trường.
Chị Hồ Thị Hoa, thôn Troan La Reo, xã Xy chia sẻ: Từ đầu năm học, qua mô hình “Nói không với túi nylon” của trường, thấy các cô giáo nhiệt tình may tặng túi cho các cháu, chị cũng tham gia. Đây là một cách làm hay, thiết thực để bảo vệ môi trường. Mong rằng mô hình này sẽ được triển khai nhiều trường học hơn nữa…
Là một trường miền núi ở khu vực biên giới với tổng 242 học sinh của 4 điểm trường, Trường Mầm non xã Xy có 100% học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô và Vân Kiều.
Để thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, trường đã xây dựng, triển khai các mô hình như “Nói không với túi nylon,” "Phân loại rác hữu cơ và vô cơ," "Sáng tạo các đồ dùng dạy học từ rác thải," "Xây dựng thư viện xanh ngoài trời"… Các mô hình đã được học sinh và phụ huynh đồng tình ủng hộ, hưởng ứng, thực hiện.
Cô giáo Đỗ Uyên Thiên Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Xy, cho biết phần lớn học sinh của trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, việc sử dụng các túi đồ mua sẵn rất hạn chế, hầu hết dùng túi nylon. Do đó, để giảm thiểu việc sử dụng chất thải nhựa trong trường học, xây dựng ý thức, thói quen tích cực cho trẻ, phụ huynh về bảo vệ môi trường, nhà trường đã phát động phong trào “Nói không với túi nylon” và nhận được sự ủng hộ tích cực.
Từ đầu năm học đến nay, trường đã huy động được hơn 5 triệu đồng để mua vải thổ cẩm và may túi theo truyền thống của đồng bào ở đây. Hiện trường đã trao tặng gần 100 túi cho các cháu lớp 5, 6 tuổi. Tới đây, nhà trường tiếp tục kêu gọi để may tặng túi cho 142 cháu các lớp còn lại ở tất cả điểm trường lẻ.
Bên cạnh đó, trường xây dựng các góc vui chơi cho học sinh trong trường từ các vật liệu tái chế như bìa cáttông, chai nhựa, lon bia, tre, nứa… xây dựng thư viện thân thiện môi trường cho trẻ.
Huyện miền núi Hướng Hóa hiện có 60 cơ sở giáo dục ở 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở với 1.062 lớp với 27.276 học sinh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường gắn với phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực bằng nhiều cách làm khác nhau nhằm nâng cao ý thức, hành vi bảo vệ môi trường của học sinh trong các nhà trường.
Đối với nội dung dạy học chính khóa, Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các đơn vị tích hợp những chuyên đề, tiết học để học sinh Mầm non làm quen với môi trường xung quanh, xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp; bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở tăng cường lồng ghép các tiết dạy về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp… nhằm giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường học đường, nhận thức rõ hơn về tác hại của ô nhiễm môi trường.
Trường Tiểu học Hàm Nghi ở thành phố Đông Hà là đơn vị tích cực đi đầu tham gia các phong trào bảo vệ môi trường. Thông qua các hoạt động giảng dạy chính trong giờ học và các hoạt động ngoại khóa, trường đã phổ biến kiến thức, hướng dẫn các hoạt động bảo vệ môi trường cho học sinh. Tại các buổi sinh hoạt định kỳ vào sáng thứ Hai, nhà trường đã tổ chức lồng ghép các chủ đề về bảo vệ môi trường.
Trường đã đặt các thùng rác phân loại hữu cơ và vô cơ trong khuôn viên trường học.
Bên cạnh đó, trường xây dựng khuôn viên trường lớp, sân chơi, mô hình cho trẻ trải nghiệm như khu vực bồn hoa, cây xanh cho trẻ hoạt động; thư viện; góc vui chơi; trang trí lớp học từ các vật dụng tái chế... Hằng năm, trường tổ chức các cuộc thi lấy đề tài bảo vệ môi trường làm chủ đề chính; tổ chức thu gom rác thải.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Nghi cho biết việc triển khai các mô hình, phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường được xem là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình học tập và giảng dạy của trường. Các hoạt động giảng dạy trên lớp, tuyên truyền lồng ghép tại các hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.
Trường tổ chức Hội thi biểu diễn thời trang từ các rác thải tái chế; cuộc thi vẽ với chủ đề chung tay bảo vệ môi trường; tích cực phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc thi tìm hiểu về tác hại rác thải. Trường đã lắp đặt hệ thống thùng rác phân loại trong khuôn viên trường và các lớp học. Với những cách làm này, khuôn viên trường luôn sáng-xanh-sạch-đẹp.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, các trường học trên địa bàn đã thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường với nhiều mô hình ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực thông qua những đợt sinh hoạt với các chủ đề, chủ điểm như: “Vì một môi trường văn minh, sạch đẹp,” “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa tái chế,” “Một ngày không dùng bao nylon,” “Không để rác chạm đất”...
Bên cạnh đó, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường được chú trọng, việc xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp thông qua các kênh khác nhau như truyền thông phát thanh, fanpage các trường trên trang mạng xã hội zalo, facebook, tờ rơi…. được triển khai rộng khắp.
Đến nay, cơ bản tất cả trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thiết kế được khuôn viên xanh với hệ thống thùng phân loại rác thân thiện môi trường.
Các trường học thường xuyên tổ chức chương trình giao lưu “Ngày hội sinh thái;” xây dựng các đề tài khoa học với các nội dung về thực hiện lối sống xanh, bảo vệ môi trường của học sinh; đầu tư mua sắm xe phân loại rác thông minh, xe gom rác thải nhựa và chai lọ… các hoạt động này góp phần tạo môi trường học tập lành mạnh, thay đổi nhận thức và hành vi của học sinh trong bảo vệ môi trường./.