Quảng Trị: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, bộ mặt nhiều xã vùng sâu, vùng xa được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị có hơn 192.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, với gần 95.000 người, phần lớn tập trung ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Số còn lại sinh sống ở một số xã vùng miền núi các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh.
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) ở Quảng Trị đã giảm mạnh. Chỉ tích từ thời điểm cuối năm 2022 đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị đã giảm 5,85%. Tính chung toàn vùng DTTS ở tỉnh Quảng Trị đã giảm 4,6% trong 9 tháng đầu năn 2023. Đây là dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian ngắn thực hiện mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Trị.
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) ở Quảng Trị đã giảm mạnh.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo) trên địa bàn tỉnh là 14,93%. Riêng huyện nghèo Đakrông, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 là 43,69% (5.175 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 9,76% (1.156 hộ). Tỷ lệ nghèo đa chiều xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là 13,70%; tổng số hộ nghèo, cận nghèo là 570 hộ. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số so với hộ dân tộc thiểu số chiếm 67,55%; tổng số hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số là 14.454 hộ.
Toàn vùng có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 77% số thôn, bản được có đường liên thôn theo tiêu chuẩn cứng hóa; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở, 38 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đúng độ tuổi đến trường bậc Tiểu học đạt 95%, bậc Trung học cơ sở đạt 96%; 40,4% xã có nhà văn hóa đạt chuẩn; 88% thôn bản có nhà nhà sinh hoạt cộng đồng; 66% số hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn nhiều so với tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.
Hoàn thiện văn bản, quyết liệt thực hiện
Để giải quyết những khó khăn trên, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Trị tập trung cao nhất nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng dân tộc thiểu số: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững theo tiêu chí cụ thể ưu tiên cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, xã vùng biên giới, xã bị ảnh hưởng về thiên tai nhiều nhất trong năm.
Trong đó, chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh Quảng Trị được bố trí 192 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân khai trên 37 tỷ đồng thực hiện Dự án 1; hơn 22,3 tỷ đồng thực hiện Dự án 2; trên 91,4 tỷ đồng thực hiện Dự án 4; hơn 12,2 tỷ đồng thực hiện Dự án 5; gần 26 tỷ đồng thực hiện Dự án 6 và trên 3,5 tỷ đồng thực hiện Dự án 10.
Để đảm bảo thực hiện Chương trình MTQG 1719 của cả giai đoạn 2021-2025 đúng tiến độ, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương liên quan, tham mưu xây dựng trình HDND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ -HĐND ngày 31/5/2022 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, xác định đây là Chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả. Do đó, ngày 29/6/2022, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia.
Dù mới đi được nửa chặng đường nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân nên Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Trị, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay, hầu hết các địa phương ở Quảng Trị đang triển khai và hoàn thiện thủ tục giải ngân nguồn vốn đối với Dự án 1 được phân bổ trong kế hoạch năm 2022 và năm 2023. Rà soát, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án 2. Bên cạnh đó, Tỉnh Quảng Trị cũng đã hỗ trợ xong 34 lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên người DTTS.
Từ nguồn ngân sách được cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính đến tháng 9/2023, ở 2 huyện thụ hưởng Chương trình là Đakrông và Hướng Hóa đã có trên 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách cấp đất sản xuất. Cũng tại 2 huyện này, đã có trên 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cấp đất ở. Từ đó, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã thoát nghèo…
Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc và các dự án đầu tư thuộc Chương trình MTQG 1719, chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị ngày càng được cải thiện, nâng cao.