Quảng Trị kiến nghị chuyển dự án nhiệt điện than sang nhiệt điện khí
Quảng Trị kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị - sử dụng nhiên liệu than.
Tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị - sử dụng nhiên liệu than (dự án) do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) đầu tư.
Đồng thời chuyển đổi dự án này sang nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập (IPP); điều chỉnh quy mô công suất dự án từ 1.320 MW sử dụng nhiên liệu than lên công suất 1.500 MW dùng nhiên liệu khí LNG.
Trước đó, vào tháng 11/2019, EGATi phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ khởi công xây dựng Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị có công suất 1.320 MW gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660 MW, tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng.
Tháng 4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và EGATi thỏa thuận về việc chấm dứt dự án, do vướng mắc khách quan về thu xếp tài chính dự án, nguồn vốn và việc thực thi đầy đủ các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đạt giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Chính phủ hai nước Việt Nam - Thái Lan.
Đến ngày 1/11, tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời, 10 dự án thủy điện và các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát điện thương mại với tổng công suất trên 1.090 MW. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW, 1 dự án điện khí công suất 1.500 MW và một số dự án thủy điện.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, các nhà máy điện tên địa bàn sẽ phát điện thương mại khoảng 2.500 MW và đạt khoảng 9.360 MW vào năm 2030; qua đó trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”; trong đó, tập trung phát triển hệ thống các dự án năng lượng mà nghị quyết này đưa ra là: “Hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen. Triển khai thẩm lượng, thẩm định, phê duyệt trữ lượng đối với mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu”.
Quảng Trị có lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo với điện gió, điện mặt trời và điện khí. Tỉnh đã đề xuất cấp có thầm quyền cho triển khai thêm nhiều dự án năng lượng như: 60 dự án điện gió trên bờ có tổng công suất 4.600 MW, 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600 MW, 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400 MW, thủy điện 2.000 MW, điện khí 4.500 MW.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, địa phương đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, có quy định cụ thể đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và đang triển khai xây dựng nhằm đảm bảo tính kế thừa.
Đối với dự án điện gió trên bờ triển khai mới, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương cần xem xét bổ sung áp dụng phương thức phù hợp các dự án đã được giao nghiên cứu, khảo sát và có kết quả đo gió đủ điều kiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định, nhằm tận dụng được nguồn lực và tối ưu hiệu quả kinh tế.