Quảng Trị: Nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm tại nhiều điểm tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương đã chủ động cảnh báo sớm đến từng thôn bản.
Vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại xã Húc và xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị do trận mưa lớn vào cuối tháng 10/2020 đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Đây là hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm về nguy cơ sạt lở nhất là khu vực dân cư gần các núi, đồi, sông suối.
Trên địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị được cảnh báo có hơn 66 khu vực có rủi ro cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét trong mùa mưa lũ, đe dọa lớn đến cuộc sống người dân. Trước tình hình này, để đề phòng hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thiên tai bất ngờ xảy ra, chính quyền địa phương chủ động cảnh báo sớm đến từng thôn bản các khu vực sạt lở…
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, tại địa phương này trong năm 2024 theo Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, Cục Địa chất của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện nhiệm vụ điều tra xây dựng bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ chi tiết 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được đánh giá có 17 khu vực rủi ro sạt lở đất, tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa và 5 khu vực có rủi ro sạt lở đất, lũ quét, tập trung ở huyện Đakrông.
Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ của Cục Địa chất thực hiện, tỉnh Quảng Trị đã rà soát, bổ sung thêm 17 khu vực rủi ro cao sạt lở đất và 27 khu vực rủi ro sạt lở đất, lũ quét, phần lớn nằm ở các khu có dân cư, tập trung ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Các vị trí điển hình như khu vực đồi núi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, huyện Hướng Hóa; tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn qua xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Các điểm này đều thuộc khu vực có độ dốc cao, khi có mưa lũ lớn, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn.
Ông Hồ Văn Tịnh- Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết: "Chúng tôi túc trực để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời kỳ mưa bão xảy ra liên tục. Đồng thời, tích cực vận động người dân chủ động di chuyển đi đến nơi an toàn khi thấy có nguy cơ sạt lở đất đá".
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có nhiều địa điểm cũng có nguy cơ sạt lở lớn, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trên tuyến Quốc lộ 9 từ TP. Đông Hà lên Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) có chiều dài khoảng 80 km. Lưu lượng phương tiện vận tải lưu thông trên tuyến Quốc lộ 9 rất nhiều, bao gồm xe tải nặng, xe container, xe trọng tải lớn chở than đá... khiến nhiều đoạn mặt đường bị bong tróc, lún. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 9 dương lịch trở đi đoạn đường chịu ảnh hưởng rất nhiều do thiên tai, mưa lớn do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra do đó nhiều đoạn bị sạt lở, lượng lớn đất đá tràn xuống.
Anh Hoàng Quang Quốc (33 tuổi) lái xe chở hàng đi trên tuyến Quốc lộ 9 cho biết: "Tôi thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này để vận tải hàng hóa, thời gian qua nhiều đoạn đường ở tuyến Quốc lộ 9 bị sạt lở nghiêm trọng gây bất an cho cánh tài xế chúng tôi, nhất là những thời điểm mưa lớn, tầm nhìn kém. Cơ quan chức năng cần sớm có phương án khắc phục, nâng cấp Quốc lộ 9 để đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến".
Theo báo cáo của Khu Quản lý đường bộ II, do ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới, các cơn bão gây mưa lớn trên diện rộng đã làm sạt lở nhiều điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông đường bộ và các công trình trên tuyến.
Đặc biệt, tại điểm sụt ta luy âm km 50+560 Quốc lộ 9 (đoạn qua huyện Đakrông) với phạm vi nứt vỡ, lún sụt nền đường dài khoảng 65 m, sạt lở hàm ếch ăn sâu vào gần nửa mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ cao đứt đường, gây ách tắc giao thông.
Trước sự cố sụt lún tại đoạn tuyến trên, Cục Đường bộ Việt Nam đã đồng ý giao Khu Quản lý đường bộ II thực hiện dự án sửa chữa đột xuất vị trí sạt lở ta luy âm tại km 50+560 Quốc lộ 9. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Uông Bí là đơn vị trúng thầu với giá trúng thầu gần 3,2 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án 120 ngày.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Trị cho biết, hiện nay trên tuyến Quốc lộ 9 có 4 đoạn, điểm (qua địa bàn huyện Đakrông) có nguy cơ sạt lở ta luy dương, như: từ km 44+200 – km 44+250, từ km 46+505 – km 46+512, từ km 51+430 – km 51+455, từ km 53+900 – km 53+966. Ngoài ra, còn có gần 10 đoạn, điểm mặt đường thường xuyên xảy ra ngập lụt, tắc đường do sạt lở ta luy dương.
Ngoài ra, tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị do có địa bàn phức tạp với sông suối ngắn và dốc, khi có mưa lớn nước thường lên nhanh và chảy xiết nên dễ bị chia cắt và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Mộc Đức, Trương Xá, xã Cam Hiếu bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng và hiện nay bị sạt lở thêm, với chiều dài trên 100m, gây ra hư hỏng đường nhựa liên xã, nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường liên xã và khoảng 30 hộ dân.
Trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN năm 2023, huyện Cam Lộ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai, cập nhật hoàn thiện kế hoạch, phương án PCTT&TKCN năm 2024 sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, phù hợp với từng loại hình và địa bàn xảy ra thiên tai.
Địa phương đã xây dựng nhiều phương án để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trước tình hình ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan diễn ra ngày càng phức tạp, huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các kế hoạch, phương án, giải pháp phòng chống thiên tai, bám sát phương châm '4 tại chỗ': Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.