Quảng Trị: Sớm khắc phục sạt lở tại tuyến đê bao Cựu Vĩnh Định
Tuyến đê bao Cựu Vĩnh Định là trục đường chính nối xã Hải Quế (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) với các địa phương lân cận. Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân sống trong khu vực và đi qua đây đều 'nơm nớp' lo sợ vì tuyến đê ngày càng xuống cấp nghiêm trọng sau mỗi đợt mưa lũ…
Theo đó, 4 tuyến đê bao ven sông Cựu Vĩnh Định đi qua xã Hải Quế dài gần 6km, được xây dựng từ năm 2010, kiên cố bằng bê tông. Khoảng năm 2020 đến nay, do tác động của thiên tai đã gây hiện tượng xói lở, sạt mái nghiêm trọng, ảnh hưởng chất lượng tuyến đê, làm tăng nguy cơ mất an toàn khi các phương tiện lưu thông qua lại trên tuyến đê này.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã triển khai giải pháp trước mắt là đổ đất chắn. Tuy nhiên, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, tình trạng xói mòn, sạt lở ăn sâu vào đất liền khiến tuyến đê bao xuống cấp nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND xã Hải Quế Hoàng Tấn Thông cho biết, tình trạng xói lở, xuống cấp tại tuyến đê bao Cựu Vĩnh Định ngày càng nghiêm trọng trong những năm trở lại đây. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh và mong muốn được các cấp ngành đầu tư, sửa chữa, gia cố lại tuyến đê.
Chính quyền địa phương triển khai một số biện pháp khắc phục trước mắt nhưng do nguồn vốn có hạn nên chưa thể giải quyết triệt để. Xã đã có văn bản, tờ trình gửi UBND huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị liên quan đề xuất sớm được đầu tư, sửa chữa, gia cố kịp thời chống sạt lở.
Toàn huyện Hải Lăng có 56km đê qua 10 xã, thị trấn vùng trũng. Hiện nay, hiện tượng sạt lở bờ sông đang diễn ra tại nhiều khu vực chứ không chỉ riêng tuyến đê Cựu Vĩnh Định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, mưa lũ gây nguy cơ mất an toàn công trình đê điều, trong đó một số vị trí bị xói lở chân khay, sạt trượt mái đê, sụt lún thân đê. Quảng Trị là địa phương hàng năm chịu tác động, thiệt hại từ bão, lũ lụt lớn nhất cả nước. Hệ thống đê điều góp phần quan trọng và thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo sản xuất 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu; đồng thời, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước, nhân dân. Tuy nhiên, hiện trạng sạt lở, hư hỏng và nhu cầu về nâng cấp, sửa chữa công trình là rất lớn, trong khi tỉnh còn khó khăn về nguồn ngân sách. Để kịp thời giải quyết vấn đề này, Sở đã xây dựng, đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2026-2030 đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số vị trí xung yếu các tuyến đê, kênh tiêu thoát lũ thuộc vùng trũng huyện Hải Lăng…