Quảng Trị tập trung ứng phó nắng hạn kéo dài
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 10 đợt nắng nóng, kèm theo gió Tây Nam hay còn gọi là gió Lào khô nóng.
Trong đó, có 4 đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài gần như liên tục trong tháng 5 và tháng 6, với nhiệt độ cao nhất lên trên 40 độ C.
Do nắng nóng kéo dài, đến ngày 7/7, lượng nước bình quân ở các hồ chứa ở Quảng Trị chỉ còn khoảng 27% so với dung tích thiết kế. Mực nước trên một số con sông xuống rất thấp khiến nguồn cấp nước sinh hoạt bị thiếu hụt. Điển hình, sông Vĩnh Phước chảy qua thành phố Đông Hà là nguồn cấp nước sinh hoạt cho 30.000 hộ dân của thành phố này đã xuống dưới mực nước chết nên không đủ cung cấp cho nhà máy nước hoạt động. Do đó, tỉnh Quảng Trị đã phải điều tiết nước từ hồ Ái Tử ở huyện Triệu Phong đến sông Vĩnh Phước với lưu lượng 20.000 m3/ngày đêm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu, các công ty cấp nước sinh hoạt, công ty quản lý các công trình thủy lợi phối hợp, điều tiết nguồn nước hợp lý, vừa đảm bảo tưới cho diện tích cây trồng bị khô hạn, vừa bổ sung nước cho nhà máy nước, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước.
Nắng nóng kéo dài cũng khiến trên 1.480 ha trong tổng số 22.000 ha lúa Hè Thu 2020 ở Quảng Trị bị khô hạn, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Linh trên 540 ha, Gio Linh gần 850 ha, Cam Lộ 75 ha.
Ngành nông nghiệp Quảng Trị đang tận dụng lượng nước ở các hồ đập, sông ngòi, sử dụng tối đa công suất các trạm bơm điện để tưới chống hạn; khoanh vùng những khu vực khó tưới, vùng dễ bị hạn để lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến bơm tưới; tập trung nạo vét các sông, khơi thông các cửa sông lấy nước, kênh dẫn trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông suốt; sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh xuống cấp gây lãng phí nước; khoanh vùng bơm, đắp các đập nội đồng, đắp bờ bao, bờ vùng để trữ nước.
Trước tình hình nắng nóng còn kéo dài, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn, yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, các đơn vị, địa phương phải rà soát, hoàn thiện quy chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết.