Quảng Trị: Theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên vật nuôi
Vào cuối tháng 2/2024, trên địa bàn xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện trâu, bò nghi bị lở mồm long móng. Đến ngày 15/3, UBND xã Lìa nhận được thông tin về sự việc trên.
Ngày 24/3, ông Hồ Văn Ta Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, vừa qua có 39 con trâu, bò tại thôn A Xóc Lìa nghi bị lở mồm long móng. Kể từ ngày 18/3 đến nay, sau khi được tiêm phòng vaccine, trên địa bàn không phát hiện thêm trâu, bò mới bị bệnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Lìa xác nhận, tình trạng trâu, bò trên địa bàn nghi bị lở mồm long lóng tại thôn A Xóc Lìa xuất hiện từ cuối tháng 2/2024, đến 15/3 UBND xã Lìa nhận được thông tin và thông báo vụ việc đến cơ quan chức năng có liên quan để tiến hành kiểm tra, xử lý.
Theo đó, ngày 15/3, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa tiến hành kiểm tra thực tế ở 4 hộ nuôi trâu, bò tại thôn A Xóc Lìa. Qua kiểm tra lâm sàng, số trâu, bò bị bệnh ở các hộ này có chung triệu chứng, gồm: miệng chảy nước dãi, có nốt loét viêm ở nếu và lưỡi một số con vết loét đã khô; chân viêm kẻ móng, đi lại khó khăn.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa cho biết thêm, số trâu, bò nói trên đã được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng vào tháng 6/2023. Đồng thời xác định: “Qua kiểm tra triệu chứng lâm sàng, thông tin khai báo của hộ, cán bộ thú y (hợp đồng) xã nghi bò mắc bệnh lở mồm long móng do đàn bò tại địa phương tiêm phòng vắc xin đã hết thời gian bảo hộ”.
Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế tại địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho hay, thời điểm kiểm tra toàn bộ số bò mắc bệnh đã được người dân chữa triệu chứng nên Chi cục không lấy được mẫu xác định type (mẫu) vi rút gây bệnh.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo từ chính quyền địa phương, đơn vị đã cử lực lượng đến hiện trường kiểm tra; đồng thời, tiến hành tiêm phòng vắc xin “bao vây” cũng như áp dụng các biện pháp khác để ngăn chặn lây lan, khống chế bệnh.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, trong sự việc này, phía chính quyền địa phương đã chậm trễ trong việc nắm bắt tình hình, thông báo đến cơ quan chức năng để tiến hành phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi. Qua đó khuyến cáo, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vắc xin, theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn để chủ động trong khống chế, dập dịch nếu có.
Được biết, số lượng gia súc nghi mắc bệnh lở mồm long móng nói trên bao gồm trâu, bò người dân nuôi từ trước và bò của Nhóm hỗ trợ phát triển cộng đồng - Nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò vàng sinh sản” tại thôn A Xốc Lìa do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa cấp hỗ trợ vào ngày 24/2.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trọng Kim, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa Trần Trọng Kim cho biết, thời gian qua, đơn vị cấp bò cho người dân tại 9 xã trên địa bàn huyện với tổng số 201 con. Toàn bộ số bò này đã được tiêm phòng đầy đủ và có Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật của cơ quan chức năng liên quan.
Vẫn theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa, tính đến ngày 24/3, chỉ có duy nhất bò đã cấp tại xã Lìa nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tại các xã khác số lượng bò đã cấp cho người dân vẫn phát triển bình thường.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa cho hay, xã Lìa là vùng biên giới và có diện tích rộng khiến UBND xã gặp khó khăn trong nắm bắt tình hình dịch bệnh trên vật nuôi.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn và đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vào cuộc xác định tình trạng bệnh trên trâu, bò tại xã Lìa, có giải pháp khống chế, ngăn chặn bệnh lây lan.
Yêu cầu các xã, thị trấn, ngành chức năng liên quan thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện; tiếp tục thực hiện có hiệu quả theo Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 22/1/2024 của UBND huyện về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện năm 2024.