Quảng Trị triển khai giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông
Tình trạng sạt lở bờ sông tại Quảng Trị đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng không chỉ khiến mất đất sản xuất, mất nhà cửa mà đã từng cướp đi sinh mạng của người dân.
Tình trạng sạt lở bờ sông tại tỉnh Quảng Trị diễn ra từ nhiều năm nay. Tình trạng này thường xảy ra vào mùa mưa lũ từ tháng 9 đến 11 hàng năm. Sạt lở bờ sông không chỉ gây mất đất sản xuất, đất ở, làm hư hỏng công trình của Nhà nước và cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
Tại con sông Thạch Hãn, con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, tình trạng sạt lở bờ của con sông đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường vào mùa mưa lũ suốt nhiều năm qua. Đoạn qua thị xã Quảng Trị và hai huyện Triệu Phong, Gio Linh xảy ra tình trạng sạt lở mạnh nhất. Với địa hình dốc theo hướng từ Tây sang Đông, lũ trên sông Thạch Hãn thường lên rất nhanh mỗi khi có mưa lớn kéo dài kéo theo đó là tình trạng xói, sạt hai bên bờ sông.
Chính quyền địa phương tại Quảng Trị cho biết, tổng chiều dài sạt lở bờ của các con sông ở Quảng Trị là khoảng hơn 105 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 18 km, sạt lở nguy hiểm hơn 48 km, sạt lở bình thường trên 39 km. Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của 2.364 hộ ở 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có khoảng 600 hộ sống trong vùng thực sự nguy hiểm khi cách mép sông chỉ dưới 20m.
Sạt lở bờ sông không chỉ khiến mất đất sản xuất, mất nhà cửa mà đã từng cướp đi sinh mạng của người dân. Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, đêm 16/10/2022, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ sạt lở làm sập hoàn toàn nhiều nhà dân, một người thiệt mạng.
Theo đó, khoảng 22h30 ngày 16/10/2022, tại đoạn sông này xảy ra sạt lở nghiêm trọng và kéo sập nhiều nhà dân ở ven sông. Vụ sạt lở khiến nhiều nhà dân bị phá hủy hoàn toàn, vùi lấp ông Võ Lợi bị vùi lấp trong đống đổ nát và tử nạn.
Sau khi xảy ra sự việc, Phó Thủ tướng Chính Phủ - Lê Văn Thành đã đến kiểm tra tình hình và thăm hỏi đời sống người dân bị ảnh hưởng. Tại đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo đời sống cho những gia đình bị thiệt hại do sạt lở. Đồng thời, yêu cầu trước mắt cần sớm di dời những hộ dân ở khu vực bờ sông đang có nguy cơ sạt lở đến nơi toàn. Sau đó tiến hành bố trí, sắp xếp tái định cư cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, tại kỳ họp thứ 2, khóa VII, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kè chống xói lở khẩn cấp các đoạn sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng mức vốn đầu tư 95 tỉ đồng.
Mục tiêu đầu là nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân sinh sống, làm việc trong khu vực; bảo vệ các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật giao thông, nhà cửa, đất đai của nhân dân trên địa bàn. Chủ động phòng, chống hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; ổn định đời sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Tháng 7/2022, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Thạch Hãn trên địa bàn huyện Triệu Phong đoạn qua Tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử và các thôn Đại Thượng Hạ, Cồn Bồi Kiệt, An Định (xã Triệu Long) với tổng mức đầu tư 11,3 tỉ đồng.
Ngày 9/8/2022, Ban QLDA ĐTXD các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Trị ra quyết định số 106/QĐ- BQLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Đại Cát là một trong 2 đơn vị trúng thầu dự án này. Tuy nhiên, người dân sinh sống nơi vùng triển khai dự án kè chống sạt lở lại vô cùng lo lắng và bất bình cho rằng đơn vị thi công bất chấp làm cho nguy cơ sạt lở càng cao hơn trước khi triển khai dự án.
Ông Hoàng Sáng (SN 1968, trú tại Tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử, tỉnh Quảng Trị) cho biết, do quá trình thi công không đúng quy trình đã làm sạt lở của gia đình ông một số đất đai và 30m bờ rào. Dù đã có biên bản làm việc giữa chính quyền địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công với người dân cam kết khắc phục.
Thế nhưng đến khi công trình đã hoàn thành nhưng chưa có đơn vị nào khắc phục cho ông. Mới đây, ngày 24/3/2023, Ban QLDA ĐTXD các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Trị phát đi công văn số 577/BQLDA- QLDA về việc đôn đốc đơn vị thi công khắc phục những tồn tại theo phản ánh của người dân.
Các gói thầu thi công, chống sạt lở bờ bờ sông là rất quan trọng và cấp thiết, tuy nhiên việc lựa chọn nhà thầu thi công dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Thạch Hãn trên địa bàn huyện Triệu Phong khiến người dân đặt câu hỏi về năng lực của đơn vị trúng thầu.
Được biết, Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Đại Cát- đơn vị trúng thầu dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Thạch Hãn trên địa bàn huyện Triệu Phong được thành lập tháng 12/2018, có địa chỉ tại Thôn Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thông tin từ Bộ KH-ĐT cho biết, tại Ban QLDA ĐTXD các công trình NN-PTNT, Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Đại Cát tham gia 4 gói thầu và trúng cả 4 gói, đạt tỉ lệ trúng thầu là 100%. Đáng nói, tỉ lệ giảm giá trúng thầu theo dự toán là khá thấp đạt 99,94%, tức chỉ giảm giá 0,06% so với giá dự toán.
Ngoài gói thầu dự án kè chống sạt lở khẩn cấp, Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Đại Cát còn trúng một số gói thầu tại Quảng Trị. Đơn cử, Công ty này trúng thầu gói thầu xây mới hội trường, cải tạo, mở rộng nhà làm việc 2 tầng và khuôn viên, cây xanh Trụ sở xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh giá gói thầu gần 6,4 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ và đối ứng của xã Vĩnh Thủy.
Gói thầu gói thầu xây mới hội trường, cải tạo, mở rộng nhà làm việc 2 tầng và khuôn viên, cây xanh Trụ sở xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh cũng được người dân địa phương quan tâm bởi trụ sở này vẫn có công năng đang sử dụng bình thường nhưng được sửa chữa.
Trong khi đó cũng thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh, con đường huyết mạch từ trung tâm thị trấn Hồ Xá về xã Vĩnh Long phải đi qua cái cầu từ lâu đã gắn biển đỏ báo động hư hỏng nặng nhưng chưa được khắc phục sửa chữa kịp thời phục vụ đi lại, đặc biệt vào những mùa mưa lũ rất nguy hiểm vẫn chưa được sửa chữa.
Tháng 10/2018, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2302/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án “Ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030″.
Đề án nhằm mục tiêu tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Quảng Trị giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án được sẽ triển khai trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị (trừ huyện đảo Cồn Cỏ). Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án 1.616,5 tỉ đồng, trong đó ngân sách địa phương 10%, ngân sách Trung ương 75%, các nguồn vốn hợp pháp khác 5%.