Quảng Trị: Voọc rượt đuổi, cắn người gây nguy cơ tai nạn trên đường HCM
Đàn 3 cá thể voọc thường xuyên xuống đường giao thông liên thôn Cha Lỳ, thôn Sê Pu và đường Hồ Chí Minh- nhánh Tây để rượt đuổi, cắn người...
Sáng 2/10, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp cứu hộ, xua đuổi, di dời đàn voọc Hà Tĩnh.
Khoảng từ tháng 7/2020 đến nay, trên địa bàn thôn Cha Lỳ và thôn Sê Pu (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện 3 cá thể Voọc Hà Tĩnh. Đàn 3 cá thể voọcnày thường xuyên xuống đường giao thông liên thôn Cha Lỳ, thôn Sê Pu và đường Hồ Chí Minh- nhánh Tây để rượt đuổi, cắn người qua lại. Từ cuối tháng 7 đến nay, đã có 9 người bị voọc cắn bị thương.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis) là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ thế giới (IUCN) và tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, loài này được xếp vào Nhóm IB cần được ưu tiên bảo vệ và bảo tồn. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tìm giải pháp vừa có thể bảo vệ an toàn cho người dân, vừa bảo tồn được các cá thể voọc này.
Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có nhiều cuộc họp, tổ chức nhiều biện pháp như: tuyên truyền cho người dân vừa có ý thức bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, vừa đề cao cảnh giác khi đi qua khu vực này; tổ chức chốt trực thường xuyên từ 17h30- 18h30 hàng ngày, gồm (10 người/tổ trực); dùng lưới giăng cao đoạn đường Voọc hay hoạt động nhằm bảo vệ người dân và tìm cách xua đuổi Voọc quay trở lại rừng sâu…
Tuy nhiên, các biện pháp nói trên hiệu quả mang lại không cao và khó có thể thực hiện lâu dài. “Tình hình này kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT cho người dân khi đi trên đoạn đường này, đồng thời nguy cơ đàn voọc quý hiếm có thể bị xâm hại do tai nạn xe cộ hoặc người dân tự vệ khi bị tấn công”- bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) có Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật có tổ chức tiếp nhận, cứu hộ các loài sinh vật bản địa hoặc các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và nuôi cứu hộ, nuôi bán hoang dã các loài động vật hoang dã.
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu hộ và tái thả các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm đặc biệt là loài voọc Hà Tĩnh, là loài có số lượng cá thể khá nhiều tại vùng rừng đá vôi tỉnh Quảng Bình.
Do đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp và hỗ trợ chuyên gia, kỹ thuật để thực hiện các giải pháp phù hợp như: Xua đuổi hoặc di dời... 3 cá thể voọc này đi nơi khác nhằm bảo vệ, bảo tồn được loài động vật nguy cấp, quý hiếm này, đồng thời bảo vệ an toàn cho người dân địa phương.