'Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta!'

Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), Vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh tại Thăng Long. Bãi chiến trường chồng chất xác giặc hóa thành gò Đống Đa ngày nay.

Tôi vào học lớp 1 năm 1973, ở một trường làng nghèo khó của miền Bắc. Thời ấy hãy còn nhiều bom đạn. Không nhớ chắc chắn mình đã tiếp nhận khi nào, nhưng lạ là đến nay, tôi vẫn còn thuộc gần như trọn vẹn bài thơ “Gò Đống Đa” của tác giả Hằng Phương. Bài thơ thật nhẹ nhàng và dễ hiểu. Cho nên qua lời giải thích của cô giáo, các anh chị lớp trước và cha mẹ, bọn trẻ chúng tôi đã biết: Tại gò Đống Đa, Hoàng đế Quang Trung đánh tan quân xâm lược nhà Thanh vào ngày mùng 5 Tết Âm lịch. Những hình ảnh “giặc chết vùi xương thành gò”, “tiếng hò ba quân”, “giỗ trận tưng bừng”, “chiến thắng vang lừng núi sông” đã theo chúng tôi suốt thời tuổi trẻ.

Tất nhiên, thông tin sâu hơn về thời gian diễn ra sự kiện hay những chi tiết liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ thì còn rất lâu sau đó, chúng tôi mới có điều kiện tìm hiểu. Và cũng nói thật là cho mãi đến gần đây, tôi mới biết lai lịch tác giả bài thơ này-nữ thi sĩ Hằng Phương, người có tên trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân, xuất bản năm 1942.

Tượng Hoàng đế Quang Trung: Ảnh: Internet

Tượng Hoàng đế Quang Trung: Ảnh: Internet

Đọc thơ rất thấy thích nhưng Vua Quang Trung hình dáng, tướng mạo như thế nào thì tôi không thể biết được mà cô giáo tiểu học xưa cũng chịu thua. Thật may mắn, ngày đó, lâu lâu trên nhà sách quốc doanh ở phố huyện, người ta thường bán truyện tranh, nhất là vào dịp Tết. Bằng một cách nào đó, bên cạnh những Thạch Sanh, Tấm Cám, bố đã mua cho mấy chị em chúng tôi một số cuốn sách mỏng về Lê Lợi, Quang Trung… mà người vẽ minh họa nếu tôi nhớ không nhầm là họa sĩ Tạ Thúc Bình.

Từ những truyện tranh được đọc đi đọc lại đến nhàu nát này, hình ảnh các vị anh hùng của đất nước dần định hình và lớn lên trong tôi theo thời gian. Nhiều chục năm đã đi qua nhưng tôi không sao quên được hình ảnh Lê Lợi tay cầm đốc kiếm, mắt nhìn xa xăm giữa núi rừng Thanh Hóa buổi đầu khởi nghĩa. Tôi cũng nhớ mãi hình ảnh Vua Quang Trung khoác chiến bào, gương mặt sạm khói súng, gươm tuốt trần trên lưng voi, oai hùng tiến vào Thăng Long, phía trước là từng đám giặc cuống cuồng tháo chạy.

Sau này, lớn lên, đọc sách tôi mới biết về anh em Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ về buổi đầu dựng cờ tụ nghĩa của anh em họ trên chính mảnh đất Tây Sơn Thượng đạo mà tôi đang được sống hôm nay. Đó là sự nghiệp lớn lao của những người anh hùng áo vải, bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII. Không ai khác, chính họ đã cùng nhân dân đánh dẹp thù trong giặc ngoài, sắp xếp lại giang sơn. Tên tuổi của họ gắn liền với những chiến công vang dội: Rạch Gầm-Xoài Mút (đánh quân Xiêm), Ngọc Hồi-Đống Đa (đánh quân Thanh).

Gò Đống Đa mãi mãi là một bằng chứng thất bại thảm hại của quân xâm lược. Đó cũng đồng thời là niềm tự hào trong bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc của đất nước ta. Từ năm 2018, gò Đống Đa đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt. Và, tôi vẫn tin rằng, tất cả người Việt Nam luôn hằng nhớ: “Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta!”.

THANH AN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/quang-trung-song-mai-trong-long-chung-ta-5723735/