Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, dự án quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng được tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư xây dựng từ năm 2009 với tổng kinh phí 1.543 tỷ đồng. Thời điểm đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình được giao làm chủ đầu tư dự án.
Tháng 10/2013, dự án được bàn giao cho UBND thành phố Ninh Bình làm chủ đầu tư. Mục tiêu là xây dựng một khu trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng quy mô lớn, đáp ứng các hoạt động văn hóa của tỉnh, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa, lịch sử vùng Cố đô - Hoa Lư.
Tiếp đó cuối năm 2014, dự án đã điều chỉnh lại. UBND tỉnh Ninh Bình quyết định giảm diện tích đất thực hiện dự án từ 56 ha xuống còn 34 ha. Ngoài ra, còn quyết định mở rộng hạng mục đường hầm là đoạn đường Đinh Tiên Hoàng đi qua quảng trường từ một làn xe lên 2 làn xe. Tổng nguồn vốn không thay đổi.
Sau khi điều chỉnh dự án, chủ đầu tư cũng tiến hành xây dựng xong hạng mục đường hầm vào năm 2015 và tiếp tục giải phóng mặt bằng các hộ dân ở dọc bên đường quốc lộ 1A nằm trong dự án.
Đến năm 2020, UBND tỉnh Ninh Bình lại điều chỉnh một số hạng mục của dự án. Cụ thể, khu vực giáp đường quốc lộ 1A sẽ không xây dựng cổng thành, bãi đỗ xe như thiết kế mà chuyển thành tiểu cảnh tạo không gian cảnh quan. Dự án được điều chỉnh tổng số vốn từ 1.543 tỷ đồng xuống 1.430 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Dù được rót vốn hơn nghìn tỷ nhưng đến nay sau hơn 10 năm triển khai, dự án vẫn chậm tiến độ, nằm “đắp chiếu” trong một thời gian dài, nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Mới đây vào đầu tháng 3/2022, dự án quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế ở trung tâm TP. Ninh Bình đã được tái khởi động. Đơn vị thi công đưa máy móc, nguyên vật liệu đến triển khai mở rộng sân chính của quảng trường và một số hạng mục khác.
Việc triển khai xây dựng tiếp một số hạng mục khác của quảng trường là để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992 - 1/4/2022).
Được biết, để tiếp tục triển khai, dự án đã được bố trí thêm số tiền khoảng 30 tỷ từ nguồn vốn đầu tư công. Với số tiền này, nhà thầu thi công sẽ lát đá mở rộng thêm khu vực sân chính quảng trường, làm một số hạng mục xung quanh nhằm tạo cảnh quan, khẩn trương hoàn thiện sân sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quảng trường chuẩn bị cho lễ kỷ niệm tổ chức tại đây.
Thế nhưng, hơn 5 tháng kể từ khi được tái khởi động, theo ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại công trường thi công dự án vẫn ngổn ngang các loại vật liệu. Nhiều vị trí vẫn rơi vào cảnh nhếch nhác, nham nhở chưa được thi công.
Sân sảnh của quảng trường có nhiều hố sâu không được che chắn.
Nhiều hạng mục vẫn còn nằm trơ trọi.
Vật liệu xây dựng chất đống nhưng không được thi công.
Quảng trường rộng hàng chục hecta ở Ninh Bình biến thành những bãi cỏ dại mọc tốt um tùm ngay giữa lòng thành phố.
Cả dự án chỉ có một máy xúc làm việc vào ngày 18/8.
Dù công trường được đặt biển báo "đang thi công" nhưng các phương tiện giao thông vẫn ngang nhiên qua lại làm hư hỏng các phiến đá.
Khu vực phía sau tượng đài giáp với quốc lộ 1A, sau khi cưỡng chế nhiều hộ dân đến nay diện tích đất này vẫn đang bỏ hoang. Mời độc giả xem thêm video Ninh Bình: Chở quá tải trọng còn chống lại hiệu lệnh của CSGT:
(Nguồn: THĐT)
Thiên Tuấn