Quảng Xương: Bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão
Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, toàn huyện đang có 998 tàu thuyền với gần 4.500 lao động thường xuyên khai thác trên biển. Trong số đó, có 202 tàu gỗ dài từ 12 đến 15m, 250 phương tiện từ 15 đến trên 24m chuyên khai thác các ngư trường xa bờ. Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện của địa phương trong mùa mưa bão năm 2023, huyện Quảng Xương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp.
Sông Lý - đoạn qua xã Quảng Thạch, được huyện Quảng Xương bố trí làm nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền.
Ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các xã ven biển đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, mệnh lệnh chỉ thị của cấp trên và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. UBND các xã ven biển cũng đôn đốc, chỉ đạo các chủ tàu có công suất dưới 20CV thực hiện việc gia hạn giấy phép khai thác thủy sản, đồng thời yêu cầu chủ phương tiện phải kẻ vẽ biển số theo đúng quy định để dễ kiểm soát. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Thanh Hóa cũng phối hợp với UBND các xã, tiến hành đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật cho các tàu cá có công suất từ 20CV trở lên.
Trong mùa mưa bão, UBND huyện thành lập tổ tổng hợp thông tin thuộc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện, thường trực 24/24 giờ trong những ngày mưa bão; đồng thời làm nhiệm vụ đôn đốc các xã kiểm tra tình hình hoạt động và liên lạc với các chủ tàu để kêu gọi vào bờ. Huyện chỉ đạo các xã nắm bắt đầy đủ tần số liên lạc các máy thông tin của từng chủ tàu cá, vùng hoạt động để kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn khi có dự báo thiên tai trên biển. Đối với chủ tàu, huyện cũng yêu cầu phải trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, nếu khai thác xa đất liền phải trang bị máy bộ đàm liên lạc tầm xa. Các phương tiện của 5 xã ven biển trong huyện cũng được trang bị 221 máy thông tin liên lạc tầm trung và 245 máy giám sát hành trình các loại phục vụ việc theo dõi thông tin dự báo thời tiết. Ngoài ra hầu hết các ngư dân khi khai thác hải sản đều trang bị máy điện thoại di động, bộ đàm để liên lạc với đất liền và với các tàu khác.
Trong phương án cứu hộ, cứu nạn cho tàu cá mùa mưa bão, ngoài phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, huyện cũng chủ động thành lập các tàu cá tham gia cứu hộ khi có yêu cầu. Theo đó, chủ của 12 phương tiện công suất lớn của xã Quảng Nham đã ký cam kết sẵn sàng tham gia cứu hộ trên biển khi có tình huống khẩn cấp. Một số phương tiện vẫn khai thác trên biển, nhưng khi có lệnh sẽ được điều động cứu hộ ở một ngư trường gần nhất với tàu bị nạn. Huyện đã có phương án hỗ trợ cũng như chi trả tiền xăng dầu nếu điều động các phương tiện này. Khi có mưa bão, huyện đã lên phương án cho các tàu thuyền tránh trú sâu trong sông Lý thuộc xã Quảng Thạch. Một số phương tiện khác sẽ bố trí neo đậu ở bến cá và đoạn cuối sông Yên, xã Quảng Nham. Huyện đã yêu cầu chính quyền địa phương sở tại có trách nhiệm tạo điều kiện, hướng dẫn sắp xếp neo đậu cho tàu thuyền trong huyện.
Để thực hiện nhiệm vụ chung, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện chức năng tham mưu cho UBND huyện trong công tác quản lý an toàn cho người và tàu cá tham gia hoạt động thủy sản theo phân cấp. Đồng thời, tổng hợp tình hình báo cáo UBND huyện và báo cáo UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh theo yêu cầu.
Các trạm biên phòng tuyến biển phụ trách địa bàn Quảng Xương có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm, kiên quyết không cho các tàu cá ra biển hoạt động khi chưa đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định. Các đơn vị cũng chịu trách nhiệm thiết lập hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo liên lạc thông suốt, giữa bộ đội biên phòng với các cơ quan, đơn vị có liên quan, giữa bộ đội biên phòng với các tàu đánh cá trên biển. Đây cũng chính là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn cho người và phương tiện của huyện tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
5 xã ven biển có phương tiện khai thác thủy sản, vận chuyển trên biển là Quảng Nham, Quảng Thạch, Tiên Trang, Quảng Thái và Quảng Hải đã được huyện yêu cầu chủ động phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản, phương án kêu gọi tàu thuyền, sơ tán di dời dân trong mùa mưa bão. Tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm, gia hạn giấy phép khai thác hải sản cho các chủ tàu. Để đảm bảo đủ chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển trên các tàu cá, UBND các xã tiếp tục rà soát những chủ tàu chưa có bằng thuyền trưởng, máy trưởng để lập danh sách yêu cầu đi học.
Những tháng vừa qua, huyện cũng yêu cầu các chủ tàu cá, thuyền trưởng và thuyền viên chấp hành tốt các quy định mua bảo hiểm cho người và phương tiện; trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người và tàu cá theo tiêu chuẩn quy định; khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với biên phòng khi xuất bến; đảm bảo tàu cá hoạt động trong vùng biển và thời gian được ghi trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá...