Quảng Xương: Để các sản phẩm OCOP phát triển bền vững
Phát huy tiềm năng, lợi thế, cùng sự chủ động, sáng tạo trong cách làm, sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, doanh nghiệp, chủ thể... là nền tảng quan trọng để huyện Quảng Xương xây dựng và không ngừng phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng bền vững.
Con Cáy là loài thủy sản được thiên nhiên ban tặng cho quê hương xã Quảng Phúc. Môi trường sống của con cáy sạch sẽ, do nó sống ở ven sông, không sử dụng thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc tăng trưởng và môi trường không có thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, con Cáy có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp một lượng lớn canxi, protit, lipit và các loại vitamin, có tác dụng bổ khí huyết, liền gân xương, thông huyết mạch... thịt cáy có tính lành, không gây dị ứng với những người mẫn cảm với thủy hải sản. Với chiều dài trên 15 km đê Sông Yên và 367,85 ha đất trồng cói, hàng năm người dân xã Quảng Phúc khai thác, đánh bắt trên 700 tấn cáy, đây là nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, tươi sống, rõ nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu sản xuất mắm cáy.
Từ những lợi thế trên, HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phúc đã phát triển ý tưởng sản xuất mắm cáy gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Với sự hỗ trợ của máy móc, dụng cụ và dây chuyền sản xuất, cải tiến mẫu mã, quy cách đóng gói sản phẩm, năm 2023 sản phẩm Cáy xay được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo Quyết định số 2457/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 của UBND huyện Quảng Xương. Hiện nay, sản phẩm được cung cấp cho thị trường toàn quốc, góp phần tạo công ăn việc làm cho Nhân dân địa phương.
Thời gian tới, sản phẩm Cáy xay do HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phúc đang được mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, quy cách đóng gói và chất lượng sản phẩm để đến với người tiêu dùng trên nhiều tỉnh thành hơn nữa với tiêu chí chất lượng, tự nhiên, an toàn, tiện ích. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Cáy xay của xã Quảng Phúc trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng, chủ lực, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tiếp tục phát triển bền vững, lâu dài.
Tính đến tháng 12/2024, huyện Quảng Xương có 27 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm phân hạng 4 sao và 24 sản phẩm phân hạng 3 sao của 21 chủ thể. 20/26 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP; có 5 sản phẩm đã được thông qua vòng chấm tổ và đang hoàn thiện để đề xuất Hội đồng OCOP huyện chấm điểm, phân hạng công nhận. Các sản phẩm đang được duy trì và phát triển tốt, đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, tiêu biểu như: sản phẩm thảo dược Ngâm chân mộc Việt, Lá xông cảm lạnh (xã Quảng Khê); chiếu cói, mắm cáy của xã Quảng Phúc; dưa vàng Thảo Hiền (xã Quảng Hợp); nước mắm, mắm tôm, moi khô Cự Nham (xã Quảng Nham); nấm linh chi Hoàng Hậu (xã Quảng Lộc); chiếu cói Dũng Châu (xã Quảng Trường); miến gạo Dung Tháp (xã Quảng Đức); bánh Nhãn Lâm Phương (xã Quảng Trạch); ốc nhồi Ống nứa Thiên Bảo (thị trấn Tân Phong); mật ong ông Tứ (xã Tiên Trang) và một số sản phẩm khác như cá khô, rạm xay, bánh răng bừa, bánh nhãn, giò chả, nem chua...
Đến nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn huyện Quảng Xương. Từ đó đã khai thác, phát huy được tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đủ sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, còn góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Xương, Lê Đại Hiệp cho biết: Những kết quả đạt được thời gian qua là cơ sở quan trọng và cũng là động lực để các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, chủ thể của sản phẩm OCOP xây dựng và củng cố chỗ đứng trên thị trường. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm để các sản phẩm OCOP phát triển theo hướng bền vững, trong đó tập trung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao, như: vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trong nhà lưới, nhà kính; vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao quy mô lớn; vùng chăn nuôi vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng an toàn sinh học; vùng nuôi trồng thủy sản; hình thành các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu sản phẩm nông sản của huyện nhà.
Cùng với đó là tổ chức tư vấn, hỗ trợ các sản phẩm của các đơn vị tham gia chương trình OCOP, như: Xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá đối với các sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, giới thiệu, quảng bá và kinh doanh các sản phẩm OCOP... nâng cao giá trị, chất lượng nông sản từ sản phẩm OCOP.