Quảng Xương xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung, năng suất, chất lượng cao
Nhằm hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, năng suất, chất lượng cao, huyện Quảng Xương đã tích cực thực hiện các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp, HTX và nông dân liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa.
Vụ thu mùa 2024, gia đình ông Lê Quý Thành ở thôn Lộc Xá, xã Quảng Long tham gia liên kết sản xuất với Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung Bộ 10ha lúa nếp. Qua thực hiện liên kết trong các vụ lúa đã thu hoạch, ông Lê Quý Thành khẳng định: Tham gia mô hình liên kết cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất nhỏ lẻ như trước đây. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người dân được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác và được bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, ổn định. Do canh tác đúng quy trình kỹ thuật theo khuyến cáo của công ty nên lúa ít sâu bệnh, lúa chín đều, năng suất đạt 3,5 tạ/sào. Mỗi sào lúa, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/vụ.
Trong vụ thu mùa 2024, xã Quảng Long có 150ha lúa sản xuất theo hình thức liên kết, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung Bộ, tập trung ở các thôn Lộc Xá, Long Thành... Hiện, diện tích lúa được liên kết sản xuất đang sinh trưởng, phát triển tốt. Với vai trò là cầu nối liên kết sản xuất, Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung Bộ, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Long đảm nhận việc cung ứng giống, phân bón và hướng dẫn người dân quy trình sản xuất. Vào vụ thu hoạch, HTX và công ty thống nhất về giá thu mua sản phẩm tại ruộng, bảo đảm lợi ích cho bà con nông dân. Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Long, cho biết: Thực hiện liên kết sản xuất lúa đã giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất lúa truyền thống manh mún sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, thâm canh cùng một loại giống, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào đồng ruộng. Đây cũng là hình thức rất có lợi cho người dân vì doanh nghiệp thu mua thóc tươi ngay sau thu hoạch, không phải mất công phơi, bảo quản. Địa phương đang tiếp tục duy trì và hướng đến mở rộng diện tích liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, năng suất chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, vụ thu mùa năm 2024, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong và Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung Bộ thực hiện liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao với người dân các xã Quảng Hòa, Quảng Văn, Quảng Ngọc, Quảng Long, Quảng Hợp... trên diện tích 1.075ha. Qua đó, các công ty đã ký kết với người dân các xã thông qua các HTX tiêu thụ khoảng 4.500 tấn sản phẩm lúa gạo, giá trị lên đến 33 tỷ đồng. Tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo người dân được các doanh nghiệp đầu tư trả chậm vật tư sản xuất nông nghiệp. Theo đó, giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao khoa học - kỹ thuật được công ty ủy quyền cho các HTX cung cấp cho bà con nông dân sản xuất trên diện tích của mình. Sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được doanh nghiệp thu mua lúa tươi ngay tại ruộng, với giá đã cam kết.
Hiện nay, để phát triển diện tích liên kết sản xuất lúa, huyện Quảng Xương đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất theo quy trình sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP và quảng bá sản phẩm lúa của địa phương. Trước mắt, huyện Quảng Xương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng vùng lúa chất lượng cao dựa trên nền tảng các xã có diện tích đang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, vận chuyển, thu hút doanh nghiệp đầu tư.