Quất cảnh đất Thành Nam
Quãng độ tháng 11 âm lịch, đến xã Nam Phong (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) - vùng đất nổi tiếng cả nước với nghề trồng quất cảnh, bất cứ ai cũng có cảm giác như không khí Tết đã hiện hữu ở đây và bắt đầu lan tỏa đi khắp mọi miền.
Ăn, ngủ ở vườn
Đi dọc hai bên đường, chúng tôi chỉ thấy bát ngát những vườn quất cảnh, cùng với đó là hương hoa quất phảng phất trong gió và những chùm quất chớm chín như báo hiệu Tết đang về. Ngay từ sớm tinh mơ, ẩn hiện giữa làn sương mờ, người nông dân đã tay cuốc, tay kéo hăng say làm việc, người thì cắt tỉa cành, dùng dây thép nhỏ để kéo các cành sao cho phù hợp với thế cây và hái bỏ những quả không đẹp mã trên những cây quất có hình tháp, chiều rộng từ 1m - 1,5 m, cao từ 1,5m - 2m, người thì gắn thẻ đánh dấu những cây đã được khách chọn mua, một tốp người khác thì đào đất, đánh cây chuyển lên chậu để kịp giao cho khách hàng.
Là người có kinh nghiệm trồng quất cảnh lâu năm và được mệnh danh là người làm quất cảnh đẹp nhất xã Nam Phong, ông Đoàn Huy Bé - chủ nhà vườn Huy Bé, cho biết: “Trong các loại cây, việc chăm sóc và tạo thế cho cây quất trông có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều kỹ thuật bởi đây là giống cây “không có thế”. Nếu như khi làm các loại sanh, si, tùng… người thợ chỉ cần nương theo các thế ban đầu của cây để bắt dáng thì quất hầu như chỉ có một dáng duy nhất là mọc thẳng. Để tạo nên dáng, thế cho quất, bắt buộc người trồng phải có ý tưởng ngay từ đầu, có hoa tay và con mắt biết nhìn cây. Một cây quất đẹp là cây có độ dày lá vừa phải, có đủ lộc, hoa và quả trên cây phải sáng mã. Tổng thể cây như thế, yêu cầu người thợ làm vườn phải bỏ ra rất nhiều tâm sức và phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng, chăm sóc. Trung bình, một cây quất cảnh phải trồng, chăm sóc từ 4 - 5 năm mới có thể đem ra thị trường”.
Ông Bé là một trong những hộ đầu tiên của xã Nam Phong trồng quất cảnh và thành công ngay từ những vụ đầu. “Tôi bắt đầu trồng quất cảnh từ những năm 90 của thế kỷ trước, lúc đó cả xã mới chỉ có vài ba hộ trồng quất cảnh. Khi thấy gia đình tôi làm thành công, người dân trong xã cũng bắt đầu chuyển sang trồng quất cảnh. Đến thời điểm hiện tại, gần như tất cả các hộ gia đình trong xã đều có nhà vườn. Trung bình mỗi nhà vườn cung ứng cho thị trường khoảng 500 cây quất cảnh/vụ Tết và thu về cả trăm triệu tiền lãi. Chính vì nguồn cung ứng lớn, lượng khách hàng đông nên hằng năm, cứ vào khoảng thời gian này là đa phần các chủ nhà vườn và thợ đều ăn, ngủ tại vườn để chăm sóc cây và sẵn sàng đón khách. Không khí Tết vì thế mà cũng đến sớm hơn mọi nơi”, ông Bé chia sẻ.
Sáng tạo trên những chậu quất bonsai
Đón bắt xu hướng của thị trường và nhu cầu của khách hàng, nhiều chủ nhà vườn ở xã Nam Phong ngoài việc duy trì trồng quất cảnh còn làm cả quất bonsai. Quất bonsai ở đây có nhiều dáng độc, lạ được trồng trên gốm, sứ, gỗ lũa cầu kỳ, thể hiện một lối chơi độc đáo, khác biệt, tài hoa của chủ nhà vườn, vốn là những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng cây cảnh.
Bà Bùi Thị Hiệu - chủ nhà vườn Sinh Hiệu chia sẻ: “Nắm bắt được nhu cầu chơi quất bonsai của một bộ phận khách hàng, gia đình tôi bên cạnh việc trồng quất cảnh còn làm cả quất bonsai để đáp ứng nhu cầu của thị trường và cũng là để tìm một hướng đi mới cho nghề trồng quất. Để thành công, ngoài sự mạnh dạn, quyết tâm, người làm còn cần phải biết vận dụng linh hoạt kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề làm cây cảnh và chăm sóc cây để cho ra những cây bonsai có dáng, có thế và sinh trưởng tốt”.
Quan sát thấy, quất bonsai tùy theo dáng, thế từng cây sẽ được chủ nhà vườn thiết kế thêm các tiểu cảnh bằng những chi tiết trang trí rất riêng. Một cây quất bonsai đẹp, sẽ hội tụ đủ các yếu tố: Dáng đẹp tự nhiên, không bị bó buộc cũng không bị gò bó theo một khuôn mẫu nào, lá xanh, lộc hoa, quả vàng, quả ương, quả xanh, quả non, có nghĩa là phải hội tụ đủ “tinh hoa của trời đất”. Mỗi chậu quất bonsai đều có một câu chuyện, một chủ đề và thông điệp khác nhau giúp cho người thưởng lãm không thấy nhàm chán. Có cây thể hiện tình phụ tử cha con thắm thiết, có cây thể hiện nghĩa phu thê, có cây mang thông điệp về tương sinh, tương khắc… Đặc biệt, ngoài việc trồng quất bonsai trên bình gốm, nhiều chủ nhà vườn còn trồng trên gỗ lũa, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa sự mềm mại, tươi xanh của cành lá quất với chất cứng cỏi, mộc mạc, phong trần in dấu thời gian của thân gỗ lũa, từ đó tạo nên một tác phẩm mang vẻ đẹp mạnh mẽ, lôi cuốn, khác biệt.
Sản phẩm quất bonsai của các chủ nhà vườn tại xã Nam Phong đã và đang thu hút được rất nhiều khách hàng. Đến tìm mua quất bonsai để chơi dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, anh Trần Thế Hoàn (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) không khỏi trầm trồ, thán phục trước sự sáng tạo được kết tinh ở mỗi chậu quất bonsai. Theo anh Hoàn, bản thân anh cũng là một người đam mê cây cảnh và biết được vùng đất Nam Phong, Điền Xá, Vị Khê… ở Nam Định nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh nên cất công đi từ Quỳnh Phụ, Thái Bình sang để thưởng lãm và lựa chọn, mua quất bonsai về chơi Tết.
“Quất bonsai ở đây thực sự rất đẹp, mỗi cây đều thể hiện được sự tinh túy của đất trời, sự sáng tạo, tài hoa và kỳ công của người làm. Thương hiệu quất bonsai ở đây chắc chắn sẽ được nhiều người biết đến và ưa chuộng, minh chứng là lượng khách đang xem và lựa chọn tại nhà vườn rất đông”, anh Hoàn bày tỏ.
Cần cù, sáng tạo là những mỹ từ thường được dùng khi nói về những người làm nghề trồng quất cảnh, cây cảnh ở xã Nam Phong. Chính họ là những người đang góp phần làm cho Tết của mọi nhà thêm đầy đủ, trọn vẹn, ý nghĩa hơn và như thường lệ Tết đến sớm hơn ở đây. Cũng từ đây, không khí Tết lan tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc, mang đến những sắc màu xuân tươi thắm, rạng rỡ cho mọi gia đình.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quat-canh-dat-thanh-nam-151276.html