Quay lại vùng tích lũy

Đà tăng của VN-Index dừng lại trong 2 phiên cuối tuần qua, sau khi tiến tới ngưỡng cản trung hạn 1.250 điểm. Với góc nhìn trung hạn, chỉ số đã quay trở lại vùng tích lũy trong kênh 1.150 - 1.250 điểm.

Cơ hội giải ngân trung hạn hiện không rõ ràng

Cơ hội giải ngân trung hạn hiện không rõ ràng

Biến số vĩ mô

Bức tranh kinh tế vĩ mô đang có những gam màu sáng tối đan xen. Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%).

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước đáng chú ý như thép thanh, thép góc tăng 35,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 25,1%; phân urê tăng 23,9%; thép cán tăng 20,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,7%; sữa bột tăng 11,8%; điện sản xuất tăng 11,4%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: khí hóa lỏng giảm 20,4%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,8%; tivi giảm 11,1%; sắt, thép thô giảm 4,5%; điện thoại di động giảm 2,8%; ô tô giảm 6,6%; xe máy giảm 4,5%; bia các loại giảm 5,3%; than sạch giảm 1,2%; thức ăn cho thủy sản giảm 0,8%.

Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm nay theo giá hiện hành tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước (8,5% so với 13,3%). Thị trường xuất khẩu phục hồi chưa vững chắc; tỷ giá biến động mạnh trong tháng 4 đã tác động đến kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp; nhiều nước áp dụng các biện pháp thu hút đầu tư về nước như Mỹ, Hàn Quốc, EU, làm tăng sức ép cạnh tranh vốn đầu tư trong bối cảnh thực hiện cam kết thuế tối thiểu toàn cầu.

Biến số được nhiều người dõi theo là kinh tế Mỹ cũng có những yếu tố khó dự báo. Hiện tại, thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed chưa rõ ràng, tỷ lệ lạm phát tăng trở lại, kinh tế giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nếu Ngân hàng Trung ương Mỹ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tiền đồng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu và dòng vốn gián tiếp nước ngoài.

VN-Index có thể “lình xình” kéo dài

Với thị trường chứng khoán trong nước, tuần qua, tỷ giá hạ nhiệt, khối ngoại có các phiên mua ròng trong tuần, thanh khoản có dấu hiệu phục hồi tốt hơn tuần trước đó. Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến nhóm bất động sản, với kỳ vọng thị trường địa ốc sớm phục hồi, tạo động lực cho nhóm xây dựng, ngân hàng, vật liệu và gián tiếp phục hồi một phần sức mua kinh tế thông qua nhóm bán lẻ.

Tuy nhiên, những phiên cuối tuần, áp lực bán gia tăng khi VN-Index tiến đến vùng kháng cự mạnh, khiến thị trường diễn biến giằng co. Đà tăng của chỉ số đã dừng lại trong 2 phiên cuối tuần, sau khi tiến tới ngưỡng cản trung hạn 1.250 điểm.

Với góc nhìn trung hạn, VN-Index đã quay trở lại vùng tích lũy trong kênh 1.150 - 1.250 điểm. Hiện tại, chỉ số tiệm cận với cản trên của kênh tích lũy nên cơ hội giải ngân trung hạn không rõ ràng, mặt bằng giá không còn quá hấp dẫn.

Trong báo cáo mới đây, SGI Capital đánh giá, môi trường đầu tư đã kém thuận lợi hơn so với thời điểm tháng 10/2023, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kỷ luật và sự kiên nhẫn trong việc chọn lựa cơ hội, cũng như thời điểm giải ngân.

Lãi suất điều hành của Fed neo cao tạo áp lực lên lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng thời kéo lợi tức trái phiếu chính phủ của các quốc gia khác đi lên. Điều này tạo ra áp lực rút tiền khỏi các tài sản rủi ro như tiền ảo và chứng khoán.

Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam với Mỹ và các nước trong khu vực ở mức âm kỷ lục tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Mức độ mất giá của VND hiện ở mức trung bình so với các nước xung quanh, nhưng bắt đầu vượt ngưỡng kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước. Những công cụ điều hành về lãi suất ngắn hạn, bán ngoại tệ can thiệp và đấu giá vàng miếng đang được cơ quan này thực hiện, bước đầu giúp hạ nhiệt tỷ giá, giảm bớt mong muốn đầu cơ.

Trong khu vực, ngân hàng trung ương các nước vẫn thận trọng, chưa có động thái sẽ hạ lãi suất trước Fed, thậm chí Indonesia mới đây còn tăng lãi suất để bảo vệ tỷ giá.

Áp lực lạm phát và tỷ giá có thể khiến lãi suất trong nước tăng và thanh khoản không còn dồi dào, cản trở đà hồi phục của tổng cầu.

Trong trường hợp thuận lợi, tỷ giá và lãi suất ổn định trở lại sẽ là điều kiện cần cho sự phục hồi của kinh tế và sự phân hóa tích cực trong lòng thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, kỳ vọng tăng trưởng đã được phản ánh vào định giá nhiều doanh nghiệp, khiến việc tìm kiếm cơ hội hấp dẫn trở nên khó khăn hơn.

Lê Đạt

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quay-lai-vung-tich-luy-post345054.html