Quay lưng với điều hòa, đô thị châu Âu chống chọi sóng nhiệt ra sao?
Khi nắng nóng ngày càng gay gắt, nhiều người nghĩ đã tới lúc châu Âu phải lắp điều hòa diện rộng. Lục địa này cũng tính tới những giải pháp làm mát nhưng vẫn tiết kiệm năng lượng.
Năm ngoái, khi nhiệt độ tại Anh tăng vọt lên 40 độ C vào tháng 7, một số cư dân đã áp dụng giải pháp hạ nhiệt truyền thống: Dùng quạt cầm tay, làm ướt khăn tắm hay dùng đá.
Tuy nhiên, với một số người, họ nghĩ đã đến lúc phải thay đổi. Giữa nắng nóng kỷ lục, nhiều người sẵn sàng đón nhận thiết bị mà châu Âu từ lâu coi là xa xỉ không cần thiết và là “mối đe dọa hủy diệt hành tinh”: Điều hòa không khí.
Giữa lúc đi tìm nguyên nhân các hộ gia đình châu Âu chưa trang bị điều hòa, Washington Post đặt câu hỏi khi Trái Đất ngày càng nóng lên, liệu lục địa già có thành nạn nhân của “cơn nghiện điều hòa kiểu Mỹ” như nhà nghiên cứu khí hậu Stan Cox đã cảnh báo hay không.
Khó lắp đặt và đắt đỏ
Các học giả xác định thời điểm phát minh ra điều hòa ở Florida Panhandle là vào những năm 1850. Trong nhiều thập niên ở châu Âu, giới lãnh đạo và học giả đã chế giễu sự phụ thuộc của Mỹ vào điều hòa.
Năm 1992, nhà kinh tế học Gwyn Prins của Cambridge cảnh báo “nghiện điều hòa là căn bệnh phổ biến và ít được chú ý nhất ở nước Mỹ hiện đại”.
Ở châu Âu, điều hòa không khí phổ biến ở các văn phòng, nhưng khó tìm thấy thiết bị này tại nhà riêng. Theo thống kê tháng 7/2022, chưa đến 5% số hộ gia đình ở Anh và Pháp có điều hòa, còn ở Đức chỉ có 3%. Những con số này trái ngược với dữ liệu 90% tại Mỹ.
Một phần lý do là các nước châu Âu hiếm khi trải qua mùa hè có nhiệt độ cao kéo dài. Ngay cả trong những ngày nắng nóng như thiêu đốt, không khí ở Rome khó có thể ẩm ướt như ở Seoul, Tokyo hay Washington. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở Anh là khoảng 13-24 độ C, trong khi mùa đông kéo dài năm tháng.
Không chỉ vậy, cơ sở hạ tầng tại Anh chú trọng thiết kế giữ nhiệt, theo TIME. Smith Mordak - Giám đốc phát triển bền vững của Buro Happold - giải thích điểm khác biệt quan trọng giữa Anh và Mỹ là bản chất nguồn cung nhà ở của 2 quốc gia.
Cứ 6 ngôi nhà thì có một ngôi nhà ở Anh xây dựng trước năm 1900, trong khi 46% xây dựng từ giai đoạn 1930-1982. “Công nghệ (điều hòa) chưa có hoặc chưa phổ biến”, nên hầu hết nhà ở không được thiết kế phù hợp lắp điều hòa, ông Mordak nói.
Trong khi đó, độ tuổi trung bình nhà ở Mỹ là 40, khi điều hòa trở thành tiêu chuẩn cho các bất động sản xây từ cuối những năm 1960.
Ngoài ra, việc lắp đặt thêm điều hòa cho những ngôi nhà cũ ở Anh rất khó khăn và tốn kém. Do nhà được xây bằng gạch, lỗ thông không khí rất nhỏ hoặc không có, hoặc bị cản trở bởi hệ thống điện và nước nóng.
Điều hòa là tương lai của châu Âu?
Ngay cả trước đợt nắng nóng năm ngoái, nhiều quốc gia châu Âu đã tính tới việc sử dụng điều hòa rộng rãi.
Báo cáo năm 2018 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lưu ý số lượng điều hòa ở Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và miền Nam nước Pháp đã tăng nhanh trong thập kỷ qua. Ước tính số lượng điều hòa ở châu Âu sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 110 triệu vào năm 2019 lên 275 triệu vào năm 2050.
Xu hướng này không khó hiểu, khi châu Âu là điểm nóng toàn cầu với số lượng các đợt nắng nóng ngày càng tăng trong hai thập niên qua. Giờ đây, một số người châu Âu dần chấp nhận có thể cần sử dụng điều hòa để cứu mạng người.
Sau đợt nắng nóng khiến khoảng 15.000 người ở Pháp thiệt mạng vào năm 2003, một số viện dưỡng lão đã lắp đặt điều hòa không khí để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Gia tăng sử dụng điều hòa trên toàn bộ lục địa đặt ra câu hỏi lớn về tính bền vững. IEA cảnh báo về "cuộc khủng hoảng làm mát" tiềm ẩn khi nhu cầu toàn cầu về điều hòa vượt xa khả năng của lưới điện và nguồn cung năng lượng.
Theo ông Mordak, để đạt được mục tiêu khí hậu, Vương quốc Anh nên tái thiết kế các tòa nhà và thành phố để thúc đẩy phương pháp “làm mát thụ động” thay vì lạm dụng điều hòa.
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) gợi ý lục địa này có thể xem xét giải pháp hiệu quả trong tổng thể đô thị xung quanh các tòa nhà, như giải pháp dựa vào thiên nhiên, cơ sở hạ tầng xanh (hành lang xanh, công viên và trồng cây xanh, hành lang gió), giảm bề mặt hấp nhiệt...
Các tòa nhà có thể được thiết kế và cải tạo tối ưu, như hướng che nắng chủ động và thụ động, thiết kế có hiên hoặc giếng trời, lắp quạt trần,...
Ngoài ra, thông gió tự nhiên cũng hiệu quả với chi phí thấp, không tác động đến môi trường. Theo EEA, nhà giá rẻ ở miền Nam Tây Ban Nha sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên phù hợp vào ban đêm, giúp giảm nhiệt độ trong nhà trung bình 5°C.
Trong khi đó, theo Horizon Megazine, châu Âu có thể áp dụng phương án làm mát khu vực (District Cooling) - hệ thống làm mát các tòa nhà bằng cách dùng nước lạnh từ trung tâm qua đường ống đến nhiều tòa nhà. Phương án này có thể lấy nước lạnh từ nguồn tự nhiên, như hồ, từ đó làm giảm thêm nhu cầu năng lượng.
District Cooling cũng làm giảm tiếng ồn phát ra như điều hòa không khí, đồng thời giải phóng không gian tại các tòa nhà và bổ sung tính linh hoạt cho mạng lưới điện khi có thể tiêu thụ năng lượng tái tạo.
Dẫu vậy, điều hòa không khí vẫn có thể là một phần tương lai của châu Âu theo cách này hay cách khác.
“Đây là công cụ cứu sinh thiết yếu trong các đợt nắng nóng. Phần lớn tác động khí hậu của điều hòa đến từ việc dùng lãng phí, thường xuyên trên diện rộng và liên tục trong nhiều tháng”, ông Cox nói. "Việc lạm dụng cũng khiến chúng ta khó thích nghi với thời tiết nóng bức, trở nên dễ bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, phụ thuộc nhiều hơn vào điều hòa nhiệt độ".
Do đó, những biện pháp phổ biến khi dùng điều hòa như đặt 27 độ C, đóng kín cửa, chỉ bật tùy phòng, bật vào thời điểm cụ thể trong ngày... sẽ mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng.
Khi điều hòa “chắc chắn là giải pháp khắc phục nhanh chóng” giữa thời tiết ngày càng nóng, ông Kevin Lane từ IEA cho biết chính phủ cần thiết lập các quy định tiêu chuẩn sử dụng điều hòa, hoặc áp dụng chế độ “thông minh”, như hệ thống điều hòa làm mát dần các tòa nhà rồi tắt khi đã đạt độ mát tiêu chuẩn.