Quay quắt vì thiếu nước ngọt

Những ngày qua, hàng chục ngàn bà con miền Tây, từ Long An đến Mũi Cà Mau phải sống chật vật do thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong khi đó tại các tỉnh miền Trung, do nắng nóng, thiếu nguồn nước tưới nhiều nơi cá chết, cây trồng cháy khô...

Không để người dân không có nước sinh hoạt

Ngày 8-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 34/CĐ-TTg về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ: NN-PTNT, TN-MT, Xây dựng, TT-TT và Chủ tịch UBND các tỉnh thành vùng ĐBSCL, có các phương án cụ thể phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt. Chủ tịch UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.

Nhịn tắm vì thiếu nước

Đến huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) những ngày này mới thấu được nổi vất vả, chật vật trong mùa khô của người dân ở miệt ven biển này. Tầm 11 giờ trưa, nắng rát da, bà Mười Chót, ở ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung, gánh đôi thùng về nhà từ điểm lấy nước công cộng cách đó hơn 200m. Chỉ vào đôi thùng, bà Mười Chót buồn rượi: Sáng giờ tôi đến 3 lần mới lấy được nước nhưng chỉ có tầm nửa thùng thôi do nhiều người đến lấy quá. Gần 12 giờ trưa nhưng cả nhà chưa có cơm ăn vì chờ nước.

 Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) lấy nước ngọt tại điểm cấp nước công cộng vào ban đêm. Ảnh: NGỌC PHÚC

Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) lấy nước ngọt tại điểm cấp nước công cộng vào ban đêm. Ảnh: NGỌC PHÚC

Gặp chúng tôi tại điểm lấy nước chiều tối 8-4, bà Nguyễn Thị Lan, cùng xã với bà Mười Chót, cho biết hầu hết giếng khoan vùng này khô cạn từ 2 tháng trước. Chính quyền địa phương đã bố trí 5 bồn nước tại 2 điểm công cộng để người dân đến lấy sử dụng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có nước do lượng người đến lấy nước quá đông. Có ngày do không lấy được nước bà phải mua nước bình nấu ăn, cả nhà phải nhịn... tắm.

Vòng qua các xã Kiểng Phước, Gia Thuận, Tân Phước (huyện Gò Công Đông), Bình Đông (thị xã Gò Công), trên các tuyến đường, xóm ấp đâu đâu cũng thấy nhà nhà, người người gánh thùng, chở can đi lấy nước. “Từ đầu tháng 3 tới nay khô hạn gay gắt, có ngày tôi chỉ biết ngồi chờ và đi lấy nước. Công việc làm ăn bị ngưng trệ; giờ giấc sinh hoạt, ăn uống bị đảo lộn. Chưa lúc nào bà con ở đây phải quay quắt, vật vã do thiếu nước như lúc này”, ông Trịnh Thanh Hùng, ngụ xã Tân Phước, Gò Công Đông, chia sẻ.

Cá chết, hoa màu cháy khô

Nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến tình trạng cá chết bất thường xảy ra liên tục trên sông Ô Giang (thuộc địa bàn xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).

Trong khi đó, tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), khô hạn đã làm hơn 5ha đậu phộng của bà con Vân Kiều chết khô, mất trắng. Còn tại huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), nắng nóng làm hơn 60ha bắp sắp thu hoạch bị thiệt hại nặng. Người dân ra sức tìm kiếm nước tưới nhưng các ao hồ đã khô cạn nên diện tích bắp tiếp tục chết khô đang gia tăng.

Bất chấp cái nắng gay gắt giữa trưa tháng 4, chúng tôi chứng kiến người dân xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận dùng xe máy chở những can nhựa đến một cái ao còn đọng lại chút nước đục ngầu để lấy nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Sen (xã Hàm Cần), cho biết: Hàng ngày tôi chỉ dám chạy xe máy đi chở 3 - 4 chuyến nước về cho gia đình sinh hoạt, đi nhiều không có tiền để đổ xăng.

Nước cho sinh hoạt đã khó, nước dùng cho sản xuất càng khó hơn. Dòng sông Bà Bích và sông Linh, 2 con sông cung cấp nguồn nước sản xuất cho các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần đã trơ đáy; nhiều hồ chứa nước nơi đây chỗ thì không còn giọt nước nào, chỗ chỉ đọng lại chút nước ít ỏi. Từ đầu năm 2024 đến nay, gần 130ha đất canh tác của bà con xã Mỹ Thạnh không thể canh tác được cây gì. Tại xã Hàm Cần, hàng trăm hécta đất nông nghiệp cũng bị bỏ hoang vì không tìm được nguồn nước tưới.

Đến đầu tháng 4-2024, lượng nước tại các hồ chứa thủy lợi của tỉnh Bình Thuận chỉ đạt 31,7% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38,85 triệu m3. Hiện diện tích sản xuất đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh là 365ha và diện tích có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 1.175ha.

Tỉnh Bình Phước có 76 công trình thủy lợi hồ, đập với dung tích thiết kế tưới cho hơn 9.286ha cây trồng và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 133.642m3/ngày đêm nhưng do nắng hạn kéo dài nên hầu hết các công trình hồ, đập đều giảm, dung tích hồ chứa chỉ còn 32%-45%.

Nắng nóng khiến hơn 1.500 hộ dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ngành nông nghiệp tỉnh đang huy động người dân nạo vét ao hồ, tăng dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt, khuyến cáo sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước hợp lý; hỗ trợ xe bồn vận chuyển nước đến các điểm dân cư, nơi hụt nguồn nước; khoan giếng, đào giếng mới để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Nắng nóng còn khốc liệt

Chiều 8-4, tại Hà Nội và miền Bắc cơ bản trời se lạnh đến mát, một số nơi có mưa nhỏ vào sáng sớm, trưa chiều tạnh ráo. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, tại Nam bộ và Tây Nguyên tiếp tục có nắng nóng diện rộng, nhiệt độ phổ biến 35-36oC, một số nơi như Ayunpa (Gia Lai) 36,8oC, Đồng Phú (Bình Phước) 36,5oC, Tây Ninh 36,3oC, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 36,3oC.

Do nắng nóng kéo dài diện rộng nên độ ẩm không khí chỉ còn 45%-50%, gây hiện tượng bốc hơi mạnh, môi trường oi bức. Theo các chuyên gia khí tượng, khu vực Nam bộ, Tây Nguyên và Trung Trung bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp cao cận nhiệt tại khu vực Philippines nên còn nắng nóng kéo dài nhiều ngày. Trong đó, riêng ngày 9 và 10-4, Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục nắng nóng diện rộng, nhiều nơi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ vượt 37oC, độ ẩm phổ biến chỉ còn 40%-50%.

Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và một số chuyên gia khí tượng, hiện tại El Nino mới chỉ chuyển sang trạng thái trung tính, đến tháng 7-8 mới chuyển sang La Nina nên trước mắt vẫn còn gây nắng nóng mạnh trong tháng 4 và 5 ở phía Nam; nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2oC. Năm nay, mùa mưa ở miền Nam sẽ đến muộn (dự báo đến cuối tháng 5 sang đầu tháng 6). Còn ở miền Bắc, từ tháng 5 đến 6 mới là thời điểm áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh. Dự báo mùa hè 2024 khả năng có nhiều đợt nắng nóng hơn và cường độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình các năm cả nước có 15 đợt nắng nóng).

Chi tiết hơn, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho rằng, ở khu vực Tây Bắc bộ nắng nóng xuất hiện vào các tháng 4-7, cao điểm rơi vào tháng 5-6; Đông Bắc bộ là các tháng 5-8, cao điểm là các tháng 6-7. Khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến 8, cao điểm vào các tháng 6-7; Đà Nẵng - Khánh Hòa rơi vào tháng 5-8, cao điểm trong tháng 7. Tại Nam bộ, tháng 4 hiện nay là cao điểm nắng nóng, sang tháng 5 có thể cường độ giảm hơn.

Mở vòi nước công cộng cho bà con sử dụng

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, tỉnh hiện có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động với tổng công suất 10.500m³/giờ nhưng mặn xâm nhập sâu đã ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy, có nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 25.000 hộ dân trong tỉnh.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các nhà máy có hệ thống lọc RO tăng cường hoạt động và phân phối cấp nước đến người dân kịp thời. Các nhà máy cấp nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép chủ động phối hợp với các nhà máy có nước ngọt (trong ngưỡng cho phép) để trao đổi, kết nối sao cho người dân có đủ nước ngọt sinh hoạt. Những nhà máy nước nào bị nhiễm mặn và không có điều kiện kết nối với nguồn nước ngọt phải chở nước ngọt về cung cấp cho người dân đủ nước sinh hoạt. Các doanh nghiệp, nhà máy có nước bị nhiễm mặn nên chia sẻ, giảm giá nước cho người dân.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã phía Đông mở vòi nước công cộng (hiện đã mở 101 vòi, tổng lượng nước đã cấp hơn 6.344m³) tại các khu vực thiếu nước trầm trọng. Công ty Cấp nước Tiền Giang đã trang bị, vận chuyển 63 bồn chứa nước cấp nước miễn phí cho nhân dân ở một số khu vực thiếu nước nơi cuối nguồn; tổ chức lực lượng, phương tiện vận chuyển, cấp nước miễn đến các hộ neo đơn, người già, không có điều kiện đi lấy nước.

Quân đội tiếp nước

Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 bơm nước sạch từ tàu vận tải xuống vỏ lãi cho người dân xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau) ngày 8-4. Ảnh: TẤN THÁI

Những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở “chảo lửa Biển Bạch”, huyện Thới Bình, Cà Mau vỡ òa hạnh phúc khi hay tin Quân khu 9 sắp điều tàu chở nước ngọt đến hỗ trợ. Hơn 9 giờ sáng 8-4, tàu vận tải của Lữ đoàn 659, Cục Hậu cần (Quân khu 9) mới cập bến nhưng từ tờ mờ sáng người dân đã điều khiển vỏ lãi, xe đạp, xe máy, xe lôi chở theo can nhựa, thùng nhựa, lu sành… đến đậu kín hai bên bờ và dưới lòng sông Trẹm (đoạn qua ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch).

Chị Nguyễn Thị Đậm, ngụ ấp 18, mừng rỡ: Tôi và chồng chạy xe máy chở theo can nhựa đến đây từ 5 giờ sáng. Gia đình tôi có 6 khẩu, mỗi tháng tốn hơn 700.000 đồng tiền mua nước. Dù rất tiết kiệm, nước tắm giặt và rửa chén bát xong dùng tưới rau nhưng vẫn không đủ sử dụng. Ở xã Biển Bạch, từ đầu mùa khô 2024 đến nay, để có nước ngọt sinh hoạt gần 500 hộ dân ở đây phải mua nước từ các ghe ở nơi khác chở đến với giá 50.000-70.000đồng/khối nhưng không phải lúc nào mua cũng có.

Vừa xách can nước 20 lít từ bờ sông lên cột vào yên xe máy cho một người dân, ông Nguyễn Tiến Ngoan, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Biển Bạch, cho hay: Chúng tôi đã thu dọn bờ sông để tàu vận tải có thể vào sâu trong ấp. Sáng nay, Xã đội Biển Bạch huy động 20 cán bộ, chiến sĩ đến đây phụ giúp, hỗ trợ bà con khó khăn, người già lấy nước và vận chuyển nước về nhà.

Đại tá Trần Bá Lộc, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 9, cho biết, trong ngày 8-4 các tàu đã chở 1.700 khối nước đến hỗ trợ người dân ở xã Biển Bạch (Thới Bình, Cà Mau). Đơn vị cũng tặng hàng trăm bồn chứa, thùng nhựa, can nhựa… để các hộ dân khó khăn có điều kiện trữ nước. Trong hôm nay và những ngày tới, Cục Hậu cần tiếp tục chở nước ngọt đến hỗ trợ người dân huyện U Minh (Cà Mau) và nhiều địa phương khác ven biển Tây.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quay-quat-vi-thieu-nuoc-ngot-post734435.html