Quấy rối, cạm bẫy đằng sau sự hào nhoáng của nghề DJ nữ
Zeisha Fremaux (New Zealand) - một nữ DJ - cho biết nạn phân biệt giới tính, quấy rối tình dục là những điều cô từng trải qua khi biểu diễn ở các quán bar, câu lạc bộ đêm.
Zing trích dịch bài đăng trên NZ Herald, nói về mặt tối của nghề DJ tại New Zealand. Nhiều nữ DJ bị cắt giảm tiền công, lạm dụng khiến họ phải bỏ nghề hoặc chật vật để bám trụ.
“Tôi bị cưỡng hôn bởi những người làm việc cùng. Họ trói tôi lại và bắt đầu trêu chọc”. Đây là lời chia sẻ của Zeisha Fremaux - hiện là DJ kiêm ca sĩ tại một quán bar ở Auckland (New Zealand).
Nữ DJ kể phân biệt giới tính, quấy rối, lạm dụng tình dục là câu chuyện có thật tại các quán bar, câu lạc bộ đêm trên khắp xứ sở kiwi.
"Điều đó khiến tôi cảm thấy mọi thứ mình đang làm đều không được tôn trọng. Tôi thường về nhà trong nước mắt khi nghĩ đến cách mọi người nhìn nhận về mình”, Zeisha nói với NZ Herald.
Zeisha làm nghề DJ được 8 năm. Cô từng biểu diễn ở những sự kiện có hàng nghìn người. Zeisha vừa được mời đến diễn ở một số lễ hội lớn trong mùa hè. Tuy nhiên, ám ảnh về quấy rối tình dục như đụng chạm trên sân khấu và trong đám đông khiến cô chần chừ, lo sợ.
Cạm bẫy đằng sau sân khấu
Một nghiên cứu mới từ Đại học Massey cho thấy Zeisha không phải trường hợp hiếm hoi rơi vào tình trạng này. Gần 50% người tham gia khảo sát cho biết họ không cảm thấy an toàn khi tham gia những sự kiện âm nhạc, lễ hội đông đúc. Trong đó, 70% từng trải qua sự thiên vị, bất lợi trong công việc hoặc bị phân biệt giới tính. Tỷ lệ này cao gấp 7 lần so với nam giới.
“Tôi từng bị lăng mạ bằng những lời lẽ khiếm nhã như ‘cô ta có được hợp đồng biểu diễn vì ngủ với người quản lý’ hoặc ‘nhìn cô ta thật lẳng lơ’. Tôi sốc khi nghe người ta nói vậy về mình’’, Zeisha bày tỏ.
Trước các đêm diễn, Zeisha luôn lo lắng trang phục về cô mặc, cách trang điểm hoặc thậm chí tính chất công việc sẽ khiến cô bị soi mói, châm biếm. “Mọi thứ dường như đều có lợi thế hơn cho những đồng nghiệp nam. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cũng như cách họ trả tiền và đo lường tài năng của chúng tôi”.
Catherine Hoad - đồng tác giả của một nghiên cứu thuộc ĐH Massey - nói rằng đây là những vấn đề đã tồn tại từ lâu trong ngành công nghiệp giải trí.
"Có nhiều lý do tại sao mọi người không cảm thấy thoải mái khi nói về chủ đề này. Đôi khi họ thấy xấu hổ khi đề cập đến những trải nghiệm tồi tệ", Hoad nhấn mạnh.
Một số nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng phụ nữ trở nên rụt rè, ái ngại khi thảo luận về vấn đề quấy rối. Họ sợ sẽ bị tẩy chay hoặc không kiếm được việc làm.
Theo Zeisha, nỗi sợ hãi đó đã ngăn cản một số nữ DJ cởi mở với quá khứ của chính mình và giải quyết những hành vi sai trái mà họ đang đối mặt. Nhiều người khác thì lo lắng sẽ bị cắt hợp đồng biểu diễn.
Zeisha kể lại cô từng bị khách nam cố tình chạm vào cơ thể khi đang đứng trước đám đông. Trong chương trình khác, một người điều hành còn cưỡng hôn Zeisha lúc cô bước xuống sân khấu.
Hiện Zeisha Fremaux là thành viên của phong trào Not For You - nơi tập hợp các DJ chống lại nạn tấn công tình dục.
Góc khuất của nghề DJ
Zeisha biết cô sẽ phải đối diện với một số hậu quả khi tiết lộ các mặt trái của ngành. Nhưng những điều này không quá quan trọng để cô có thể dập tắt dũng khí của mình.
Trước đây, Zeisha thường nhận được yêu cầu từ các “bầu show” về việc đăng những bức ảnh thiếu vải để quảng cáo cho sự kiện của họ hoặc biểu diễn trong một số trang phục nhất định.
"Một số chủ sự kiện nói rằng họ sẽ trả cho tôi một khoản catse cao nếu tôi mặc đồ như họ muốn. Tôi biết đây là một vấn đề xảy ra trên mọi phân khúc của ngành công nghiệp âm nhạc”, nữ DJ chia sẻ.
Zeisha nhớ lại lần đầu tiên phản kháng những yêu cầu kỳ quặc, cô không biết tìm ai để nhờ giúp đỡ hoặc hướng dẫn cách vượt qua tình huống khó xử này. Cô cho biết đa số những trang phục đi diễn sẽ có phần bó sát nhưng không quá phản cảm để phù hợp với tính chất công việc.
“Thường thì tôi hay mặc áo hở eo, vì DJ là một công việc đổ mồ hôi rất nhiều sau một đêm diễn. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn tự chọn đồ mặc hơn”.
Trong khi đó, nếu các DJ nam cởi áo, hành động này sẽ nhận được phản ứng tích cực từ đám đông. Nhiều người cho rằng đây là “sự nam tính” và càng phấn khích, hò reo khi họ làm vậy.
Định kiến giới là điều thường thấy
Ayesha Waja (biệt danh WAJA) khởi động phong trào Not For You vì “chán ngấy” cách đối xử không công bằng với các nữ DJ.
"Chúng tôi gặp nhau để nói về những vấn đề mà mình gặp phải trong suốt thời gian vào nghề. Tôi nghĩ không ổn nếu để chuyện này tiếp diễn", Waja cho hay.
Trong bài phỏng vấn với NZ Herald, Ayesha bày tỏ lo ngại về thế hệ nữ DJ trẻ sẽ không đủ sự mạnh mẽ và tiếng nói để đối mặt với góc khuất của ngành.
Thay vì giải quyết vấn đề xoay quanh trang phục, Ayesha lại gặp vấn đề với việc đào thải nhân sự và sự miệt thị từ chính đồng nghiệp chung ngành. Những nữ DJ thường bị xếp biểu diễn một cách cảm tính và không cân nhắc giá trị mà họ mang lại.
“Họ trả cho tôi mức lương không xứng đáng với công sức tôi bỏ ra chỉ vì tôi là phụ nữ”, Ayesha nói về định kiến giới thường gặp trong ngành DJ.
Những năm gần đây, một số lễ hội ở Aotearoa phải đối mặt với phản ứng dữ dội do lượng nữ DJ thấp. Nhờ vậy, sự tiêu cực đang dần được thay đổi.
Người phát ngôn của Homegrown - một trong những lễ hội âm nhạc nổi bật và lâu đời nhất ở New Zealand - cho biết họ đang cố gắng tập trung hơn vào sự đa dạng, hồ sơ năng lực, chi phí và tính khả dụng khi tổ chức sự kiện.
"Chúng tôi quan tâm đến vai trò của mình trong việc giúp ngành công nghiệp âm nhạc phát triển và đa dạng hơn về giới tính. Chúng tôi sẽ không chọn một nghệ sĩ nếu họ không thể đáp ứng các tiêu chí đề ra hoặc loại họ chỉ vì họ là nữ", người đại diện của Homegrown nói.