Quê hương Đồng Khởi vươn mình bứt phá

Bến Tre là quê hương Đồng Khởi – nơi lưu dấu, khắc sâu những chiến công oanh liệt, những tấm gương Anh hùng, những địa danh lịch sử đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu kiên cường.

Dù còn nhiều khó khăn, trở lực, nhưng với quyết tâm chính trị, phát huy tối đa tinh thần Đồng Khởi năm 1960, Bến Tre hôm nay ngày càng “thay da, đổi thịt”, thể hiện khát vọng vươn lên sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Quân giải phóng cùng cờ mặt trận tiến vào đánh chiếm bồn đốt của địch ở vùng ven thị xã Bến Tre (1968). Ảnh: TTXGP

Quân giải phóng cùng cờ mặt trận tiến vào đánh chiếm bồn đốt của địch ở vùng ven thị xã Bến Tre (1968). Ảnh: TTXGP

Bài học quý báu về "ý Đảng - lòng Dân"

Những năm 1957-1959, cách mạng miền Nam cực kỳ khó khăn, chính quyền Mỹ - Diệm tăng cường các hoạt động đàn áp, khủng bố, dựng lên đồn bót khắp nơi, mở chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, áp dụng Luật 10/59, công khai đặt những người Việt Nam yêu nước ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém khắp miền Nam để giết hại tất cả các lực lượng cách mạng và đồng bào ta; cả miền Nam chìm trong biển máu. Ở Bến Tre, đến cuối năm 1959, chúng bắt, tù đày trên 17.000 người, hàng nghìn người bị giết hại. Từ chỗ toàn tỉnh có trên 2.000 đảng viên với 117 chi bộ, chỉ còn 162 đảng viên với 18 chi bộ, nhưng Đảng bộ, nhân dân Bến Tre luôn giữ vững niềm tin vào Đảng và Bác Hồ. Đêm 17/1/1960, quần chúng nhân dân từ các xã, ấp được vận động tổ chức tham gia vào tất cả các hoạt động nổi dậy diệt ác, phá kìm, diệt tề, trừ gian. Phong trào nổ ra đồng loạt trên khắp địa bàn, mở màn ở ba xã thuộc huyện Mỏ Cày: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp, sau đó lan rộng ra các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Thạnh Phú, Ba Tri và nhanh chóng lan ra toàn tỉnh, toàn khu, toàn miền để trở thành cao trào "Đồng Khởi".

Sau một năm Đồng Khởi, Bến Tre đã san bằng hơn 100 đồn bốt, phá rã toàn bộ bọn tề điệp và bộ máy kìm kẹp ở nông thôn, 51/115 xã được giải phóng hoàn toàn, 21/115 xã giải phóng một phần; nhân dân làm chủ toàn bộ địa bàn nông thôn, thành lập chính quyền nhân dân các cấp.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến khẳng định, thắng lợi của phong trào Đồng Khởi là một minh chứng, làm sáng tỏ tính đúng đắn và kịp thời của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, sự chỉ đạo của Khu ủy và sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ Bến Tre bằng tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm bám dân, bám đất để chiến đấu. Bài học quý báu về "ý Đảng - lòng Dân", về tinh thần gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân về sự gắn bó "quân dân - cá nước"; về sự tập hợp, động viên mọi khả năng của quần chúng…, là yếu tố quyết định thắng lợi mọi phong trào cách mạng, mãi còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.

Với thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của phong trào Đồng Khởi 1960 cùng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Bến Tre đã được tuyên dương, phong tặng 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng Khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” và tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - “Đội quân tóc dài” đã được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vùng quê cách mạng thay màu áo mới

Vùng đất là "Cái nôi của phong trào Đồng Khởi" - xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) từng bị "bom cày, đạn xới"giờ đây đã đổi thay ngày nào. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, cây xanh tỏa bóng, những tuyến đường rợp bóng cờ bay, hoa trải dài dọc theo hai bên vệ đường cùng nhiều ngôi nhà mới kiên cố, khang trang, mọc lên san sát. Định Thủy không còn khuất nẻo, vùng quê cách mạng xưa kia vốn rất khó khăn nay đã thay màu áo mới, trở thành xã đầu tiên của huyện Mỏ Cày Nam đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, với thu nhập bình quân đầu người đạt 79 triệu đồng/người/năm (năm 2024).

Giao thông thuận tiện cho người dân đi lại trao đổi hàng hóa. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Giao thông thuận tiện cho người dân đi lại trao đổi hàng hóa. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương ngày càng phát triển, bà Trần Thị Xem (sinh năm 1954) ở ấp Định Nghĩa, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre chia sẻ, sau ngày miền Nam giải phóng, xã Định Thủy phải đối mặt với cảnh nghèo khó, kinh tế kém phát triển, giao thông chủ yếu đi bằng ghe, xuồng, xe máy chưa về được tới xã... Bây giờ, trục đường phát triển, từ xã ra đến thành phố Bến Tre gần 25km xe chạy bon bon. Điện, đường, trường, trạm đầy đủ, đời sống nhân dân được nâng cao gấp nhiều lần.

Trong ký ức của mỗi người dân Bến Tre nói chung, người dân Mỏ Cày nói riêng, hình ảnh ngọn đuốc lá dừa sáng rực và âm vang tiếng trống, tiếng mõ của phong trào Đồng Khởi 65 năm trước luôn khắc sâu trong tâm trí. Bà Trần Thị Xem luôn khắc ghi trong tim rằng, mỗi phút giây đang sống trong bình yên, hạnh phúc đã được đổi bằng sự hy sinh, xương máu của các thế hệ cha ông. Đó chính là động lực để bà noi theo, quyết tâm giáo dục các thế hệ tương lai xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Quốc Hưng, xã Định Thủy nói riêng và huyện Mỏ Cày Nam nói chung đang chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. 100% đường huyện, đường xã, đường ấp và đường liên ấp và 94,4% đường ngõ, xóm đã đầu tư đạt chuẩn theo quy định; nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc được tập trung thực hiện, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, chú trọng sản phẩm sạch. Năm 2024, Mỏ Cày Nam đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện nông thôn mới, là huyện nông thôn mới thứ 2 của tỉnh.

"Đồng Khởi mới" - Bứt phá vươn lên

Vinh dự, tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương Đồng Khởi, Đảng bộ, nhân dân Bến Tre luôn ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương. Bến Tre luôn giữ gìn, vun đắp truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, quật khởi trong chiến đấu, vận dụng, sáng tạo và phát huy truyền thống cuộc Đồng Khởi năm 1960, cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, nghị quyết, các chương trình hành động cách mạng, nhất là phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”. Trong đó, hồn cốt vẫn là bài học kinh nghiệm quý báu “ý Đảng - lòng Dân”, sự thống nhất đồng lòng - đồng loạt - đồng bộ của toàn Đảng, toàn dân và quân Bến Tre trong mọi phong trào hành động cách mạng, là ý chí kiên cường vượt qua mọi khó khăn, trở lực.

Với phương châm “Hai chân, ba mũi” trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, Bến Tre đã tạo nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết hằng năm và nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ. Đặc biệt, năm 2024, lần đầu tiên Bến Tre đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 2,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,75 tỷ USD, xuất khẩu ngành dừa đạt 0,52 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.632,9 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2025, kinh tế tỉnh Bến Tre tiếp tục tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng GRDP đạt 7,46%; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 12,24%, trở thành trụ cột chính thúc đẩy nền kinh tế…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, địa phương quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng 2026 - 2030 theo mục tiêu tăng trưởng đạt hai con số từ năm 2026. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế và nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường… Để làm được điều này, Bến Tre ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm; tập trung phát triển đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm và các dự án sử dụng vốn nước ngoài (vốn ODA). Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án cho giai đoạn 2026 - 2030, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, liên tỉnh, liên vùng. Tập trung ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; kết nối hệ thống giao thông của địa phương với hệ thống giao thông quốc gia và khu vực lân cận.

Cầu nối giữa tỉnh Bến Tre với cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) thuộc dự án cầu Rạch Miễu 2, chiều ngày 31/8/2024. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Cầu nối giữa tỉnh Bến Tre với cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) thuộc dự án cầu Rạch Miễu 2, chiều ngày 31/8/2024. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Ngày 19/4/2025, cầu Rạch Miễu 2 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre được hợp long (vượt tiến bộ 4 tháng); ngày 27/4, khánh thành 2 tuyến đường gom đường gom vào cầu. Dự kiến, tháng 9/2025, khai thác cầu Rạch Miễu 2, qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến Quốc lộ 60, "chia lửa" cho cầu Rạch Miễu hiện hữu; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung - ông Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ.

Chương Đài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/que-huong-dong-khoi-vuon-minh-but-pha-20250419093006161.htm