Quê hương Hàm Thuận
Mới đây mà đã 45 năm kể từ ngày quê hương Hàm Thuận được giải phóng. Nhìn lại cuộc sống hôm nay, nhớ về quá khứ, trong mỗi chúng ta rất đỗi tự hào.
Quê hương Hàm Thuận 45 năm xây d
Sau ngày quê hương Hàm Thuận giải phóng, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, sản xuất bấp bênh, chỉ dựa vào nước trời là chính, hạn hán liên tiếp xảy ra đã làm cho đời sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn, nhiều vùng bị thiếu đói. Song, Đảng bộ và nhân dân Hàm Thuận trước đây, Hàm Thuận Bắc ngày nay đã tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khắc phục khó khăn, phấn đấu đi lên.
Được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh và bằng nỗ lực của chính mình, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa… đã được đầu tư xây dựng, làm cho bộ mặt nông thôn, đô thị huyện nhà ngày càng khởi sắc. Những năm gần đây, bên cạnh tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có, huyện đã phát động phong trào khơi thông dòng chảy kênh tiêu thoát lũ và sông suối tự nhiên, góp phần đảm bảo chủ động tưới hơn 90% diện tích canh tác và khắc phục dần tình trạng ngập úng, đã tạo bước đột phá cho sự phát triển nông nghiệp của huyện nhà; từng bước hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng có lợi thế: thanh long, cà phê, cây ăn quả… và sản xuất an toàn, liên kết chuỗi giá trị. Nhờ đó hiệu quả sản xuất được nâng lên (giá trị sản xuất trên 140 triệu đồng/ha). Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu dân sinh đã được đầu tư nâng cấp, nhất là các tuyến đường kết nối, như: Sara - Tầm Hương, Hàm Trí - Hồng Sơn, Ma Lâm - Hồng Sơn, Hàm Chính - Phú Long; ĐT 714, đường dọc kênh liên huyện (Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong), đường Lại An – Cây Trôm, đường Soài Quỳ… cùng với hạ tầng viễn thông, điện, nước sinh hoạt… được đầu tư mở rộng, từ đó tạo thế liên kết, từng bước khắc phục “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, còn đầu tư nhựa hóa các tuyến đường nội thị Ma Lâm và Phú Long, đẩy mạnh phong trào làm giao thông nông thôn nối liền trung tâm xã, thị trấn đến các địa bàn dân cư thôn, xóm đã tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, giao thông hàng hóa thông suốt từ trung tâm huyện đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Từ đó mở ra cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển, ngoài các sản phẩm may mặc, đường, bún, bánh tráng, bánh hỏi, mộc dân dụng, vật liệu xây dựng đã có, những năm gần đây có thêm các sản phẩm mới từ thanh long: rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo… Bên cạnh đó, còn phát triển dự án điện mặt trời, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn huyện lên 99%. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục mở rộng, khu thương mại Bến Lội – Lại An, xã Hàm Thắng với nhiều loại hình dịch vụ cao cấp, các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện ích, cùng với nhiều chợ nông thôn được các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng mới khang trang đã góp phần cung ứng kịp thời, bình ổn giá cả, tăng thu ngân sách. Sự nghiệp giáo dục, y tế có tiến bộ. Hàng năm, huy động 100% trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo và 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở có học lực yếu kém và học sinh bỏ học giảm dần; 100% các trường tiểu học đều tổ chức dạy tin học, ngoại ngữ; 100% các trường mầm non – mẫu giáo có tổ chức bán trú. Huyện duy trì giữ chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư tăng thêm, có 31/75 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế từ tuyến huyện đến tuyến cơ sở được đầu tư khang trang, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, phòng chống dịch bệnh được chú trọng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân trên 85% dân số, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Phong trào giảm nghèo, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực. Số hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2019 chỉ còn 3,02% và hộ cận nghèo còn 5,47%. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ thường xuyên nên đời sống có bước cải thiện đáng kể, số hộ nghèo đến nay chỉ còn 14,26% và hộ cận nghèo còn 20,19%.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, 45 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể các cấp trong huyện đã phát động mạnh mẽ và rộng khắp phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người. Đã vận động được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng suốt đời 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, nhận đỡ đầu cho 63 gia đình thương binh, liệt sĩ neo đơn, khó khăn. Vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa hàng năm đều vượt chỉ tiêu. Đến nay, đã xóa nghèo cho 100% hộ gia đình người có công với cách mạng, chỉ còn 30 hộ cận nghèo hiện đang vận động các tổ chức, cá nhân đỡ đầu để thoát hộ cận nghèo. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giải quyết tồn đọng chính sách người có công được thực hiện khá tốt…Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giao quân hàng năm. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng dần hiệu quả hoạt động. Với kết quả đó, đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới, đô thị văn minh; đến cuối năm 2019, toàn huyện đã có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thị trấn Ma Lâm, Phú Long đạt chuẩn đô thị văn minh.
Quê hương qua 45 năm xây dựng và phát triển, Hàm Thuận Bắc hôm nay có bước đổi thay đáng kể, ngày một khang trang, khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên.
Có được những thành tựu như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền huyện Hàm Thuận Bắc đã được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ đầy trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Cùng với đó là sự chung tay xây dựng của các thế hệ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Hàm Thuận và những người đã từng chiến đấu, công tác trên quê hương Hàm Thuận trước đây, Hàm Thuận Bắc ngày nay đã giúp cho quê hương Hàm Thuận Bắc không ngừng phát triển. Tự hào về quá khứ, vui mừng trước hiện tại, nhận rõ những khó khăn thử thách phía trước, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện sẽ ra sức lãnh đạo, chỉ đạo các tầng lớp nhân dân phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, luôn kiên định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước. Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, huy động tối đa mọi nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị thời kỳ mới đề ra, đưa huyện Hàm Thuận Bắc tiến lên giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
NguyỄn Văn Hoàng
(Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc)