Quê hương luôn ở trong tim người xa xứ
25 năm trên cương vị Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - một thương hiệu thời trang nổi tiếng với gần 200 cửa hàng trên toàn quốc - anh Nguyễn Ngọc Tý đã có nhiều hoạt động đóng góp cho quê hương. Anh luôn mong muốn góp một phần tâm sức vào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nên đã hướng về Quảng Trị bằng tình cảm đặc biệt và những chuyến thiện nguyện ý nghĩa...
Cái bắt tay cam kết...
Anh Nguyễn Ngọc Tý sinh năm 1968 ở làng Trà Trì, xã Hải Xuân, nay là xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Thời thanh niên sôi nổi ở quê nhà, anh Tý tham gia tích cực mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ và công tác xã hội phục vụ cộng đồng trong vai trò Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã. Năng động và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, chàng trai này vẫn luôn đau đáu giấc mơ tìm đến một miền đất mới để phát triển bản thân tốt hơn.
“Năm 1991, tôi lần đầu vào TP. Hồ Chí Minh để thăm một người bà con và cảm nhận những nét đẹp đầy sức hút của thành phố này. Tôi mê mẩn ngắm nhìn những cửa hàng thời trang đủ sắc màu và những người trẻ tuổi say mê học tập, làm việc trong nhịp sống hối hả. Một năm sau, tôi quyết định làm đơn xin nghỉ công việc ở quê nhà để vào TP. Hồ Chí Minh bắt đầu một cuộc sống mới”, anh Tý kể lại.
Những ngày đầu vào TP. Hồ Chí Minh, vì chưa có nhiều mối quan hệ nên anh gặp rất nhiều khó khăn, làm nhiều công việc để có thể tồn tại ở mảnh đất mới. Trong khoảng thời gian này, anh phụ giúp cho một người bà con bán áo quần thời trang và cũng dần yêu thích công việc này.
Năm 1994, anh Tý lập gia đình và mở một cửa hàng kinh doanh quần áo cao cấp, chuyên hàng xách tay từ nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là thời điểm mà cơ duyên đưa anh gặp gỡ với anh Trần Anh Sơn - người sáng lập thương hiệu Nón Sơn.
Lúc này, anh Sơn thường xuyên mang hàng thời trang cao cấp nhập từ nước ngoài đến ký gửi tại cửa hàng của anh Tý. Hai con người cùng chung đam mê kinh doanh thời trang dần trở nên thân tình từ đó. Sau một thời gian thành lập Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, nhà sáng lập thương hiệu Trần Anh Sơn ngỏ lời mời anh Tý về cùng tham gia điều hành công ty. Năm 1998, anh Tý nhận lời bằng cái bắt tay cam kết cùng nhau đưa Nón Sơn trở thành đơn vị đầu tiên định hình thị trường chuyên về mũ, nón chất lượng cao tại Việt Nam...
Góp phần đưa Nón Sơn vươn xa
Đến nay, Nón Sơn đã trở thành một thương hiệu thời trang không còn xa lạ với đông đảo người tiêu dùng ở Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của những cửa hàng Nón Sơn là màu hồng tọa lạc trên những trục đường chính. Để có được sự phát triển bền vững, nhà sáng lập và giám đốc điều hành phải nỗ lực vượt qua nhiều biến cố, bảo vệ hình ảnh và thương hiệu theo cách riêng.
“Khi nhận lời làm giám đốc điều hành, bản thân tôi cũng trăn trở và tự học hỏi thêm rất nhiều kiến thức trong quản trị doanh nghiệp, tìm hiểu những cách làm hay để áp dụng. Ban đầu, công ty chỉ nhập hàng ở nước ngoài về bán, sau đó chuyển qua chuyên sản xuất nón vải cho phụ nữ.
Chúng tôi nhìn nhận nón là một sản phẩm thời trang, đôi khi đội một chiếc nón có thể làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của bộ trang phục nên luôn đổi mới về thiết kế. Khoảng đầu năm 2000, những cửa hàng Nón Sơn với logo hai chiếc nón úp vào nhau trở nên nổi bật giữa các con đường lớn ở chốn Sài thành.
Năm 2007, khi chuỗi cửa hàng chuyên bán nón thời trang cho nữ giới vừa hình thành và ổn định thì chúng tôi gặp phải “cú sốc”, đó là lúc Chính phủ quy định người đi xe máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Lúc này, tôi cùng các nhà sáng lập buộc phải xoay chuyển tình thế, bắt tay sản xuất mũ bảo hiểm. Biến khó khăn thành thuận lợi cũng là một trong những kim chỉ nam cho công việc của tôi”, anh Tý chia sẻ.
Anh Tý cho hay, công ty mất hơn một năm để khách hàng dần chấp nhận sản phẩm mũ bảo hiểm với phân khúc giá cao, đồng thời mở rộng các loại khác như nón phớt, nón vành, nón kết... Các sản phẩm của Nón Sơn với kiểu dáng, chất liệu, phụ kiện... khác nhau xuất xưởng theo mùa, theo thị hiếu từng giai đoạn với giá bán niêm yết (chưa áp dụng khuyến mãi) các loại nón tại mỗi cửa hàng từ vài trăm ngàn đến 10 triệu đồng.
Nhiều năm qua, anh Tý cùng những nhà sáng lập, điều hành công ty luôn nhất quán không chạy các chiến dịch quảng bá thương hiệu rầm rộ mà dành nguồn lực để cùng lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố kiểm soát cơ sở sản xuất, bán sản phẩm giả mạo, hàng nhái thương hiệu Nón Sơn. Đây cũng chính là cách để anh Tý giúp thương hiệu Nón Sơn giữ vững chỗ đứng, tồn tại qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế suốt 27 năm qua, là cách để vị giám đốc điều hành này đảm bảo nguồn sống cho các công nhân của mình.
Vượt qua nhiều thăng trầm, Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn hiện đã có gần 200 cửa hàng với hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, người lao động trên toàn quốc. Là một thương hiệu lâu năm và luôn có sức hút với khách hàng mặc dù có những sản phẩm ở phân khúc giá cao như nón đan tay thủ công hay mũ bảo hiểm vẽ sơn mài nghệ thuật...
Anh Tý cho biết, với sự đồng lòng và hỗ trợ của nhiều người, đến nay anh có thể tự tin mình đã, đang và sẽ làm tốt cương vị người điều hành công ty. Hạnh phúc hơn là anh góp phần tạo việc làm cho không ít anh em đồng hương Quảng Trị. Không những thế, vị giám đốc này còn luôn tâm nguyện cho dù ở đâu, ở chặng đường nào đều hướng về quê hương bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa...
Quà tặng quê hương
Tuy bận rộn với công việc điều hành công ty nhưng anh Tý vẫn luôn góp mặt trong những dịp lễ kỷ niệm, những ngày trọng đại của quê hương, nhất là ở xã Hải Hưng nơi anh sinh ra. Cũng như bao người con xa quê khác, anh Tý luôn đau đáu hướng về Quảng Trị và mong muốn góp chút sức lực nhỏ bé của mình dành tặng cho mảnh đất nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Năm 2020, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hải Lăng tại TP. Hồ Chí Minh, anh trực tiếp kêu gọi, quyên góp tiền mặt hàng chục triệu đồng và hàng trăm suất quà trao cho bà con quê hương; ủng hộ vật chất lẫn tinh thần cho giải bóng đá đồng hương Hải Lăng tại miền Nam...
Trong đại dịch COVID-19, anh thành lập một đội tình nguyện gồm những người con Quảng Trị để hoạt động vì cộng đồng tại khu vực phía Nam.
Anh Tý cho biết: “Thời điểm dịch bệnh hoành hành, tôi trực tiếp bố trí xe, điều phối anh em nhận và đi phát quà, hỗ trợ cho người dân khó khăn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và những nơi lân cận như Biên Hòa, Long An, Cần Thơ, Bình Dương... Đây cũng là lúc mà tôi thấy sức mạnh của tình đồng hương và sự đoàn kết, tinh thần sẻ chia của những người Quảng Trị đáng quý hơn bao giờ hết. Là người đứng ra kêu gọi anh em, tôi cũng luôn tiên phong làm gương trong các hoạt động, đồng thời công khai minh bạch thu chi, tạo niềm tin cho mọi người khi cùng tham gia thiện nguyện”.
Xa quê đã lâu nhưng bà con ở xã Hải Hưng vẫn thường thấy anh Tý có mặt kịp thời những lúc quê nhà gặp thiên tai để giúp đỡ người dân. Anh cũng là người luôn tiên phong, tích cực trong ủng hộ vật chất cho công tác khuyến học, khuyến tài, trùng tu tôn tạo các công trình, di tích của làng, xã; tài trợ kinh phí cho các hoạt động thể dục, thể thao của thanh thiếu nhi...
Các con của anh Tý là những người tích cực trong công tác thiện nguyện, đặc biệt khi nghe Quảng Trị có những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ thì luôn sẵn lòng dành tiền tiết kiệm, tham gia cùng ba gửi về quê hương. Đầu năm 2023, anh Tý đại diện cho Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn trao tặng 500 mũ bảo hiểm, trị giá 250 triệu đồng cho các em học sinh tại huyện Cam Lộ và Hải Lăng.
Trong cộng đồng người Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh, anh Tý được biết đến là một người chân tình, gần gũi. Ngoài những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, anh thường xuyên gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, điều hành và giữ vững thương hiệu cho các doanh nghiệp trẻ và anh em đồng hương...
Anh Tý tâm sự: “Với tôi, món quà ý nghĩa nhất mà mỗi người dành tặng cho quê hương chính là sự thành công, những thành tựu sau nhiều nỗ lực. Tôi tâm nguyện, còn sức khỏe thì vẫn còn cống hiến cho công việc. Đối với công tác thiện nguyện thì triển khai quanh năm như làm việc tốt mỗi ngày. Thời gian tới, tôi cùng nhiều anh em sẽ cố gắng huy động thêm nguồn lực, thực hiện thêm nhiều chương trình trao quà trong dịp lễ, tết cho bà con quê hương...”.