Quê hương nơi chốn đi về

Cầm trên tay tập thơ 'Quê hương nơi chốn đi về' của tác giả Nguyễn Bạn do Nhà xuất bản Công an Nhân dân vừa ấn hành, tôi không khỏi bất ngờ. Xưa nay người ta chỉ biết đến Nguyễn Bạn - một cán bộ dân vận gần dân, nhưng ẩn sau đó lại là một hồn thơ chất chứa tình yêu quê hương, đất nước.

Bìa Tập thơ Quê hương nơi chốn đi về

Bìa Tập thơ Quê hương nơi chốn đi về

Nguyễn Bạn (1952) sinh ra ở làng Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng; năm 1970, tuổi 18, anh trở thành sinh viên Viện Đại học Đà Lạt. Sau năm 1975, anh về công tác tại Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, chọn Đà Lạt làm nơi gắn bó. Những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi đầy nhiệt huyết, anh trở thành “thủ lĩnh” thanh niên xung phong đi khai hoang mở đất ở Vùng 3 (ba huyện phía Nam bây giờ) nắng nóng, mưa dầm, góp sức làm nên Nông trường Hà Giang xanh tươi, trù phú, đón cư dân từ miền Bắc, miền Trung đến lập nghiệp. Rồi trải qua nhiều vị trí quan trọng trong công tác Đảng của tỉnh như: Quyền Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Nghỉ hưu, anh làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng.

Tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người vốn là một tình cảm cố hữu, thiêng liêng. Xa quê từ những ngày vừa trưởng thành, hình ảnh quê hương Hòa Vang, Đà Nẵng luôn hiện diện trong anh, luyến lưu. Đó là ký ức những ngày thơ ấu, bên cha, mẹ, anh chị em ruột thịt, xóm làng. Là đồng ruộng, là dòng sông quê, là lũy tre, bờ lúa, là những năm tháng chiến tranh nghèo khó... mà dù đi dâu anh vẫn hướng về với những hoài niệm: “Theo trâu theo những đường cày/Đất phơi nắng nỏ dạn dày sức trai/Bữa cơm độn sắn độn khoai/Con tôm con cá kiếm ngoài đồng sâu” (Quê hương tôi); “Nhớ hồi gian khổ chiến tranh/Lính càn lính bắt dân lành xác xơ.../Nhớ khi địch bắt phơi thây/Một lòng, một dạ không lay chuyển gì” (Hòa Phong quê tôi). Niềm tự hào trỗi dậy bật lên thành thơ khi hôm nay quê hương đổi thay từng ngày với những công trình kỳ vĩ như cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, Cầu Rồng, đường hầm Hải Vân... trở thành “Thành phố đáng sống”.

Tác giả Nguyễn Bạn

Tác giả Nguyễn Bạn

Với Nguyễn Bạn, làm thơ không phải để trở thành nhà thơ, mà ghi lại những cảm xúc trước những nơi anh đến, con người anh gặp với biết bao ân tình. Quê hương với Nguyễn Bạn không chỉ bó hẹp là nơi chôn nhau cắt rốn mà là nơi anh từng sống, anh đi qua. Tập thơ 60 bài dày dặn với từng phần rõ ràng: Đà Lạt tôi yêu, Tây Nguyên đại ngàn, Quê nhà yêu thương, Gia đình thân thương, Nơi ấy Trường Sa, Nơi chốn từng qua. Đà Lạt, quê hương thứ hai, nhưng lại là nơi anh gắn bó phần lớn đời người, dành cho Đà Lạt một tình yêu đặc biệt. Thiên nhiên tươi đẹp Đà Lạt, hình ảnh thân thuộc đã thành tiềm thức: Đàn ngựa nhỏ nô đùa bên triền dốc/In bóng mặt hồ gợi nhớ gợi thương”; “Con đường nhỏ dấu chân xưa còn đó/Bếp lửa hồng men rượu vẫn còn say”. Tình yêu quê hương mở ra trong thơ Nguyễn Bạn với Tây Nguyên đầy nắng và gió, từ năm 2003 anh công tác và gắn bó, đi qua Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, bước chân in trên những nẻo đường Tây Nguyên, những buôn làng xa xôi, đại ngàn, sông và núi. Để nay rời xa vẫn luôn khắc khoải nhớ: “Xa Pleiku lòng anh vẫn nhớ/Ánh mắt long lanh lưu luyến vô chừng/Ước chi lên Pleiku lần nữa/Để được nhìn em - cô sơn nữ của mùa xuân” (Một thoáng Pleiku).

Quê hương trong thơ Nguyễn Bạn còn là trời, là biển, nơi đầu sóng ngọn gió, là chủ quyền thiêng liêng, là mỗi tấc đất thấm máu cha ông khai mở. Một chuyến đi Trường Sa, anh dâng trào cảm xúc: “Máu của các anh hòa trong nước biển xanh/Trên đảo quê hương thắm một màu cờ/Những trái tim của những chàng trai yêu nước/Muôn đời sau vẫn sáng mãi những dòng thơ” (Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma). Mỗi chốn anh đi qua trên quê hương Việt Nam, những vùng đất, những con người, nghĩa tình đồng bào nồng hậu, ấm áp, neo lại trong tim một người đa cảm không thể phai nhạt và ghi dấu thành thơ: Chiều Cát Bà, Côn Đảo, Đại Lải, Hạ Long, Hồ Núi Cốc, Mộc Châu, Một sáng Sa Pa, Quảng Bình, Xuân Việt Bắc... Là “Biển vẫn biếc, sóng rì rào vẫn vỗ/Côn Đảo hiện ra như ngọc giữa trời/Và như thế trong muôn ngàn ngôi mộ/Thắp bừng lên ngọn lửa hòa bình” (Côn Đảo trong tôi). Là “Trập trùng mây, trập trùng sương/Mưa dầu nắng dãi vấn vương tơ chiều/Đến Mộc Châu - một trời yêu/Cơm lam một ống theo đèo về xuôi” (Qua Mộc Châu).

Vẫn có những câu thơ thô mộc, chưa được trau chuốt, nhưng trong câu từ, ý từ mộc mạc đó vẫn sáng lên lấp lánh tình cảm chân thật chất chứa, khiến người đọc đồng điệu, rung cảm. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu cùng bạn đọc tập thơ “Quê hương nơi chốn đi về” của Nguyễn Bạn.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202109/que-huong-noi-chon-di-ve-3076832/