Quê hương Quảng Ngãi qua ca dao
Với niềm kiêu hãnh đáng yêu, miền quê nào cũng có những câu ca dao địa danh giới thiệu thắng cảnh, sản vật quê hương như một lời mời gọi du khách.
1. Ca dao địa danh Quảng Ngãi phản ánh tâm thức văn hóa về đất và người Quảng Ngãi ở nhiều phương diện, mà trước tiên là giới thiệu danh thắng mỗi vùng quê mà nhiều địa danh đã đi vào tâm thức của người dân từ xưa đến nay "La Hà thạch trận là đây/ Bốn phương tám hướng đá xây trận đồ/ Ai vô Tư Nghĩa thì vô/ Dừng chân ngắm cảnh trận đồ đá xây".
Hay như "Sông Trà sát núi Long Đầu/ Nước kia chảy mãi rồng chầu ngày xưa/ Núi Long Đầu lưu danh hậu thế/ Chùa Thiên Ấn ấn để hậu hoàng/ Ai về xứ Quảng cho nàng về theo". "Lý Sơn có cảnh chùa Hang/ Có đường xuống đất có thang lên trời".
Du lịch sinh thái văn hóa với sông, biển, ruộng đồng, rừng núi, một loại hình du lịch đang được yêu thích, cũng là một giá trị du lịch văn hóa của Quảng Ngãi mà ca dao địa danh nói đến như một niềm ngưỡng vọng. “Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Nhìn qua đảo Bé mà không thấy người”. “Cửa Tam Quan nước cạn bày cừ/ Biển Sa Huỳnh khô tắc em mới từ nghĩa anh!”. “Sông Trà Khúc ai mà tát cạn/ Rừng Trà Bồng ai đẵn hết cây”. “Ngó lên núi Bút, Quán Đàng/ Núi bao nhiêu đá dạ thương chàng bấy nhiêu”. “Tịnh Minh nằm cạnh sông Trà/ Lúa ngô xanh tốt mượt mà quanh năm”.
Bên cạnh khắc họa vẻ đẹp các danh thắng đã đi vào lịch sử - văn hóa Quảng Ngãi, ca dao địa danh còn giới thiệu những đặc sản làm nên nét riêng trong văn hóa ẩm thực Quảng Ngãi mà từ góc nhìn du lịch văn hóa không thể không khai thác, để níu chân du khách. “Mặn mà muối biển Sa Huỳnh/ Ngọt đường xứ Quảng, thắm tình quê ta/ Đường phổi, chim mía, mạch nha/ Ai về Quảng Ngãi, thử qua một lần”. “Đi đâu cũng nhớ Thu Xà/ Nhớ mùi cá bống mặn mà hương tiêu”.
Quê hương Quảng Ngãi có nhiều sản vật góp phần làm phong phú cho nền văn hóa nông nghiệp. “Muối Xuân An, mắm Tịnh Kỳ/ Khoai lang dưới trảng, gạo thì Đường Trung”. “Ai về Quảng Ngãi/ Cho tôi gởi ít tiền/ Mua giùm miếng quế lâu niên/ Đem về trị bệnh khỏi phiền bà con”. “Củ lang mỏng vỏ đỏ da/Ai về Long Phụng theo ta thì về”.
Ngoài việc giới thiệu thắng cảnh và sản vật quê hương, ca dao địa danh Quảng Ngãi còn thể hiện niềm tự hào về các giá trị văn hóa độc đáo phản ánh một cảm thức vừa hiện thực, vừa lãng mạn của con người Quảng Ngãi: “Ai về Quảng Ngãi mà xem/ Bãi tơ vàng óng đồng ken lúa vàng/ Xóm thôn sực nức mùi đàng/ Nhắp chè Tam Bảo luận bàn văn chương”.
Lễ hội đua thuyền có ở nhiều vùng sông, biển Quảng Ngãi được tổ chức vào các dịp lễ hội hay ngày Tết cổ truyền, một sản phẩm du lịch văn hóa có sức thu hút du khách cũng được nói đến trong ca dao địa danh: “Lý Sơn có lệ cổ truyền/ Hàng năm Tết đến đua thuyền vui xuân”.
Nhưng có lẽ, kết tinh vẻ đẹp ở ca dao địa danh Quảng Ngãi từ góc nhìn du lịch văn hóa là việc bày tỏ tình yêu, một lĩnh vực tình cảm phong phú với nhiều cung bậc khác nhau qua việc sử dụng tên làng, tên núi, tên sông. “Thuốc ngon chợ Huyện/ Giấy quyến Sa Huỳnh/ Nẫu nói sao mược nẫu/ Đôi đứa mình đừng xa”. “Bao giờ núi Hó hết tranh/ Sông Trà hết nước hai đứa mình mới xa”. Vì vậy, những câu ca dao địa danh đã kết tinh trong tâm thức người Quảng Ngãi một nỗi nhớ đến nao lòng khi phải sống tha hương. “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu”.
2. Nghiên cứu ca dao địa danh Quảng Ngãi từ góc nhìn du lịch văn hóa, không chỉ để nhận biết đặc điểm địa lý tự nhiên, lịch sử hình thành, phát triển, sự ngưỡng vọng khi nghĩ về một miền quê nào đó mà còn là lời mời gọi, một sự quảng bá tinh tế về văn hóa. Đây là cách “tiếp thị” hữu hiệu để phát triển kinh tế du lịch, nói như ông Federico Mayor, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO: “Hễ nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách khỏi môi trường văn hóa, thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng, cả về kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy giảm đi rất nhiều”.
Ca dao địa danh Quảng Ngãi không chỉ là một hiện tượng ngôn ngữ mà còn là một hiện tượng văn hóa, một phạm trù mỹ học có ý nghĩa lịch sử gắn với quá trình mở cõi của cha ông, là một hệ giá trị, ngành du lịch có thể khai thác để phát triển loại hình du lịch văn hóa nhằm cung cấp tri thức về văn hóa du lịch cho du khách khi tham quan vùng đất giàu tiềm năng này. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, hoạt động du lịch là một bộ phận trong hoạt động văn hóa của loài người cũng là một hình thức hoạt động học tập đặc biệt... Nó lấy xã hội và giới tự nhiên rộng lớn làm trường học, lấy tài nguyên du lịch trong tự nhiên, nhân văn và xã hội làm sách giáo khoa. Thông qua việc thưởng ngoạn, du lãm, tham quan làm phương pháp học tập, thu nhặt được nhiều kiến thức thực tế, phong phú.
Nhìn từ ý nghĩa khoa học và thực tiễn của loại hình du lịch văn hóa, ca dao địa danh Quảng Ngãi giúp các nhà nghiên cứu văn hóa và du lịch những tri thức cần thiết nhằm ứng dụng vào việc quản trị du lịch hiệu quả hơn.