Quên Trung Quốc đi, đây mới là nền kinh tế đang rối loạn, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định toàn cầu

Mỹ mới là nền kinh tế đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ toàn diện trong bối cảnh suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị bủa vây.

Quên Trung Quốc đi, đây mới là nền kinh tế đáng lo ngại của năm 2024. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Quên Trung Quốc đi, đây mới là nền kinh tế đáng lo ngại của năm 2024. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Năm 2023 đã bước vào những tháng cuối, dù vậy thế giới vẫn chưa ngã ngũ về triển vọng của các nền kinh tế lớn.

Trung Quốc đang vật lộn với tốc độ phục hồi kinh tế trì trệ sau 3 năm cách ly, phong tỏa và cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Bất chấp dấu hiệu trong những tuần gần đây báo hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ở tốc độ “chạm đáy”, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn ảm đạm.

Kết quả cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Bank of America (BoA) công bố hôm 12/9 cho thấy, kỳ vọng về tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi lệnh phong tỏa nhiều thành phố được áp dụng vào năm 2022.

Tuy nhiên, không phải Trung Quốc, Mỹ mới là nền kinh tế đáng lo nhất tính đến thời điểm này.

Dấu hiệu rõ rệt của suy thoái kinh tế

Ngay từ đầu năm 2023, các nhà đầu tư tin rằng kinh tế Mỹ đang tiến dần tới suy thoái do chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lạm phát vẫn ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng…

Những mối lo ngại trên giảm bớt vào thời điểm tháng Sáu khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, lạm phát dần “hạ nhiệt”. Cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ của Bank of America vào tháng 7/2023 cho thấy, 72% số người được hỏi tin rằng, kinh tế Mỹ sẽ trải qua một cuộc “hạ cánh mềm” khi việc thắt chặt tiền tệ đủ hạn chế để kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Tuy vậy, kể từ đầu tháng Tám, triển vọng về một “cú hạ cánh mềm” đã bị lu mờ. Việc kết hợp của nhiều yếu tố - kinh tế, tài chính và quan trọng nhất là chính trị cho thấy rõ ràng Mỹ đang ở trong tình thế “vô cùng bấp bênh”.

Hầu hết các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin ở Washington, chủ yếu do vai trò thống trị của đồng USD trong thương mại - đầu tư toàn cầu và vị thế vững chắc của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thị trường Mỹ dường như có phần lạc quan thái quá do hiểu sai các xu hướng kinh tế quan trọng và xem nhẹ các vấn đề chính trị, tài chính.

Một đợt bán tháo trái phiếu chính phủ mạnh mẽ do Mỹ thúc đẩy trên thị trường nợ toàn cầu đã lan rộng khắp các loại tài sản trên toàn thế giới. Việc bán tháo trái phiếu diễn ra sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và tín hiệu của Fed rằng họ sẽ giữ lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” để giảm nhu cầu và hoàn thành công việc kiềm chế lạm phát.

Hôm 3/10, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,7%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Sự gia tăng đột ngột của lợi suất trái phiếu đã làm tăng thêm những tổn thương trong nền kinh tế. Mặc dù tăng trưởng của nền kinh tế cần chậm lại để lạm phát tiếp tục giảm nhưng dường như tốc độ lại đang bị chậm quá mức.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu của suy thoái kinh tế đang ngày càng rõ rệt: các khoản tiết kiệm trong giai đoạn dịch có thể sớm cạn, tỷ lệ chậm thanh toán thẻ tín dụng tăng mạnh, các khoản vay mua ô tô bắt đầu gia tăng…Đáng chú ý, tác động đầy đủ của các chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn chưa được cảm nhận rõ ràng.

Nỗi lo từ bất ổn chính trị

Những “hòn đá tảng” cản trở nỗ lực “hạ cánh mềm” của nền kinh tế còn nằm ở vấn đề chính trị - một khía cạnh mà các nhà đầu tư chưa thể nắm bắt.

Việc các thành viên theo đường lối cứng rắn trong đảng Cộng hòa phế truất Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm 3/10 là động thái mới nhất làm trầm trọng thêm tình hình khi có thể dẫn đến một đợt hạ bậc tín dụng khác, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ.

Vụ việc trên có thể khiến Moody's Investor Service xem xét lại mức xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ.Tuần trước, Moody's cảnh báo Chính phủ đóng cửa có thể khiến tổ chức này hạ mức tín nhiệm của Mỹ.

“Mặc dù các khoản thanh toán nợ của chính phủ không bị ảnh hưởng và việc đóng cửa trong thời gian ngắn khó có thể làm gián đoạn nền kinh tế, nhưng điều đó sẽ nhấn mạnh sự yếu kém về sức mạnh thể chế và quản trị của Mỹ so với các quốc gia được xếp hạng AAA khác”, Moody's nêu rõ trong một thông báo.

Cũng theo Moody's, điều này chứng minh những hạn chế đáng kể mà sự phân cực chính trị ngày càng tăng đặt ra đối với việc hoạch định chính sách tài khóa vào thời điểm sức mạnh tài chính đang yếu dần, do thâm hụt tài chính ngày càng gia tăng và khả năng chi trả nợ ngày càng suy giảm.

Đã có 14 lần Chính phủ Mỹ đóng cửa kể từ năm 1980, nhưng chưa lần nào một chủ tịch Hạ viện bị phế truất. Vì vậy, vụ việc mới nhất còn là một dấu hiệu phân cực chính trị ngày càng gia tăng.

Việc Moody's hạ cấp tín nhiệm có thể khiến lãi suất trái phiếu kho bạc tăng cao hơn nữa, nhấn mạnh rủi ro gia tăng liên quan đến việc nắm giữ nợ của Mỹ. Vấn đề này sẽ làm tăng chi phí vay tiền vì các ngân hàng và những người cho vay khác thường căn cứ lãi suất vào lãi suất trái phiếu Mỹ.

Động thái này sẽ làm tăng thêm áp lực mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt và thậm chí có thể làm tăng khả năng xảy ra suy thoái.

Rõ ràng, nếu như triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc gây nhiều thất vọng trong năm 2023 thì kinh tế Mỹ có thể sẽ là “nguy cơ lớn nhất” trong năm 2024.

(theo SCMP, CNN)

Hạ Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quen-trung-quoc-di-day-moi-la-nen-kinh-te-dang-roi-loan-de-doa-truc-tiep-den-su-on-dinh-toan-cau-244955.html