Quẹt app, đi chùa cầu duyên và những ám ảnh mai mối
Sau một cái Tết bị gia đình hối thúc liên tục, Trần Thúy sợ chuyện lấy chồng. Nhiều lần, cô muốn nói bản thân chưa sẵn sàng, nhưng vừa mở lời mẹ đã khóc nên đành thôi.
Từ năm 25 tuổi, Hoài Linh, nhân viên viết nội dung tại công ty công nghệ ở TP.HCM, cứ gặp người thân, họ hàng, hàng xóm lại bị hỏi “Có bạn trai chưa?”, “Định khi nào lấy chồng?”. Vốn đi làm xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, cô coi đó là lời hỏi thăm bình thường.
Tuy nhiên, dịp Tết vừa rồi, khi bước sang tuổi 28, Hoài Linh nhận thấy tần suất và mức độ nghiêm túc của những lời thúc giục cao hơn hẳn trước đó khiến cô bị hoảng.
“Mọi người như thể đặt KPI, giao deadline cho tôi rằng ‘Cuối năm lấy chồng đi’, ‘Năm nay lấy chồng được rồi’, ‘Xem thế nào lấy chồng đi chứ’. Tôi mới chia tay bạn trai, hiện tại cũng chưa có mối nào nên chỉ biết vâng dạ cho qua”, cô kể.
Với Hoài Linh, áp lực bị giục lấy chồng không thể so với mệt mỏi từ công việc. Cô cho rằng hiện tại, chuyện tình cảm có thì tốt, không có cũng không sao vì bản thân khá độc lập và có thể tự chăm sóc mình.
“Tôi từng dùng ứng dụng hẹn hò, đi xem tarot, đi chùa cầu duyên, được bạn bè mai mối, cũng thử hẹn hò vài lần đều thấy không phù hợp nên độc thân tới giờ".
Hoài Linh còn tự giao deadline cho bản thân là kết hôn trước 30 tuổi, nhưng cô cũng tự hiểu trễ một chút cũng không sao.
"Tôi muốn gặp được người phù hợp để đồng hành thật lâu và chia sẻ cuộc sống chứ không muốn yêu nhanh, cưới vội để hối tiếc về sau”, cô giải thích.
Sau Tết, dù khá đau đầu vì bị giục nhiều, Hoài Linh tin rằng sẽ sớm qua khi trở lại guồng quay bận rộn. Thời gian rảnh, cô cũng “quẹt” app, đi chơi với bạn bè với hy vọng gặp được nửa kia.
Tương tự Hoài Linh, nhiều người trẻ cảm thấy áp lực với những câu hỏi về tình trạng hôn nhân khi về nhà ăn Tết. Trong khi một số tìm đủ cách để sớm “thoát ế”, không ít lại mặc kệ để “vạn sự tùy duyên”.
Ám ảnh
Thùy Linh (29 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cũng bị gia đình giục lấy chồng từ năm 25 tuổi. Cô được giới thiệu hết mối này tới mối kia và sắp xếp đi xem mắt.
Tết được nghỉ sớm ở nhà, biết mẹ sẽ cằn nhằn nên Thùy Linh biếu tiền trước. Tuy nhiên, tất cả đều được nhắm mắt bỏ qua, riêng chuyện lấy chồng thì không.
Ai đến chúc Tết, mẹ Thùy Linh cũng thở dài: “Chán lắm, con gái 30 tuổi đầu chẳng dắt ai về, không hiểu thế nào. Hay anh/chị xem nhà nào có con trai, thấy hợp con tôi thì cho làm quen xong cưới”.
Người thân, họ hàng, hàng xóm ai gặp Thùy Linh cũng hỏi “Bao giờ cho bác ăn kẹo?”. Ban đầu, cô chỉ cười trừ, sau bị hỏi nhiều dẫn đến bực bội.
Thùy Linh cho hay cô chưa bao giờ nôn nóng chuyện chồng con vì công việc ổn định, có khoản kiếm thêm đủ lo chi tiêu bản thân và sắm sửa cho gia đình. Bản thân cô vẫn thích đi đây đi đó và chưa sẵn sàng mở lòng sau chuyện tình cảm trong quá khứ.
Tuy nhiên, người xung quanh lại sốt ruột thay cô.
Có lần, mẹ Thùy Linh lướt mạng thấy chương trình hẹn hò trên truyền hình nên hỏi để đăng ký cho con gái.
Ở công ty, đồng nghiệp toàn Gen Z cũng giục Thùy Linh lấy chồng. Họ thậm chí “treo thưởng” giày hiệu và áo dài đắt tiền nếu cô cưới.
Trong khi đó, Thùy Linh tin rằng đúng người, đúng thời điểm, tình duyên sẽ tự tới. Cô từng đi xem bói chỉ vì tò mò, dùng ứng dụng hẹn hò cũng để cho vui.
“Tôi tin rằng sớm muộn cũng có người tốt nhất dành cho mình. Nâng cấp bản thân mỗi ngày để phù hợp với tiêu chí của chính mình là được”, cô chia sẻ.
Những năm trước, Trần Thúy (30 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội chỉ bị bố mẹ hối lấy chồng. Từ 2 năm nay, cả gia đình bên nội - ngoại đều thúc giục cô.
Tết vừa rồi, Thúy về nghỉ Tết 7 ngày, hôm nào cũng có người hỏi cô “Bao giờ lấy chồng?”. Các cô, bác trong nhà đều giới thiệu người cho cô, hàng xóm cũng nhiệt tình mai mối.
Liên tục bị giục giã, Thúy sợ lấy chồng. Về quê mỗi dịp lễ, Tết cũng trở thành nỗi ám ảnh của cô.
“Chỉ cần vừa bước xuống xe là mẹ đã hỏi, về đến nhà thì hàng xóm dò la. Tôi cũng sợ cả việc gọi điện về nhà vì nói chuyện được 2-3 câu là bố mẹ lại nói sang chuyện lấy chồng. Tôi có người em nhiều hơn một tuổi, nửa năm nay thím không thèm nói chuyện chỉ vì em chưa lấy chồng”, cô kể.
Nhiều lần, Thúy muốn nói với gia đình rằng bản thân chưa sẵn sàng với chuyện kết hôn nhưng mới được vài câu, mẹ đã khóc khiến cô không thể thốt lên thêm lời nào.
“Tôi có cảm giác kinh khủng hơn cả bị dí deadline, như thể nhiệm vụ chưa hoàn thành”.
Hẹn hò nhộn nhịp sau Tết
Bên cạnh nhiều cách thức như dùng ứng dụng hẹn hò, tin tưởng người quen giới thiệu, tham gia chương trình ghép đôi, thậm chí đi xem bói hay lên chùa cầu duyên, đăng ký dịch vụ hẹn hò ngày càng là lựa chọn của nhiều người độc thân có nhu cầu tìm kiếm nửa kia.
Chị Vũ Nguyệt Ánh, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của thương hiệu dịch vụ hẹn hò Rudicaf, cho biết sau Tết là thời gian cao điểm hẹn hò.
“Trước Tết, mọi người rất bận rộn và cũng cần tiết kiệm chi tiêu cho những khoản cần ưu tiên dồn vào cuối năm. Sau một đợt Tết liên tục bị mọi người hỏi han, giục giã, nhiều bạn độc thân trở nên sốt ruột. Khi đó, họ cũng dư dả tiền bạc hơn, tâm thế thoải mái hơn, có thời gian rảnh rang hơn nên đăng ký dịch vụ hẹn hò nhiều hơn”, chị nói.
Chị Ánh cho hay sau hơn 2 năm dịch bệnh gần như đóng băng mọi hoạt động gặp gỡ kết đôi, từ khoảng quý II năm 2022, thị trường dịch vụ hẹn hò nóng lên rất nhiều.
Chị lý giải trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều người cảm thấy cô đơn khi phải làm việc ở nhà, sống xa gia đình và không được gặp gỡ bạn bè. Họ nhận thấy cần có người đồng hành, sẻ chia vui buồn, khó khăn.
Từ tháng 4 năm ngoái, số lượng yêu cầu đăng ký dịch vụ hẹn hò mà chị Ánh nhận được tăng đột biến.
Chị dự đoán thời điểm sau Tết năm nay, con số sẽ tăng 150-200% so với cùng kỳ những năm trước dịch, vì 2 năm bị “dồn toa” khiến nhiều người ồ ạt đăng ký.
“Đây là cái Tết đầu tiên mọi người có thể thoải mái, tự do sau Covid-19. Thêm vào đó, nhiều khách hàng đã đăng ký hẹn hò trước Tết nhưng quay cuồng vào thời điểm cuối năm nên lùi hẹn ra sau Tết”, chị nói.
Chị Ánh cho hay khi tham gia dịch vụ hẹn hò, ngoài đầu tư chi phí từ 15,5-120 triệu đồng tùy từng gói, khách hàng còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có trình độ từ đại học trở lên, điều kiện kinh tế tốt, công việc chính thống, thu nhập cao, độc thân theo quy định pháp luật (có giấy xác nhận độc thân hoặc quyết định ly hôn), ngoại hình khá.
Tuy nhiên, chị Ánh nhấn mạnh dịch vụ hẹn hò chỉ là bên trung gian, giúp mọi người tiết kiệm thời gian, công sức tìm kiếm, sàng lọc đối tượng hẹn hò, hỗ trợ tối ưu cơ hội tìm được người đáp ứng các “tiêu chí kén chọn” của mình.
“Còn lại, việc hai người thích nhau hay không, có tiếp tục phát triển mối quan hệ lên cao hơn như tình yêu hay kết hôn không là lựa chọn và quyết định của các cá nhân, với những lý do riêng của họ, không ai có thể can thiệp hay quyết định thay”, chị kết luận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quet-app-di-chua-cau-duyen-va-nhung-am-anh-mai-moi-post1397778.html