Quốc ca - Những chuyện phải làm

Mấy ngày nay, chuyện một đơn vị tắt tiếng quốc ca trên nền tảng online vì sợ thiệt hại về kinh tế nhận vô số chỉ trích từ dư luận.

Nhưng xét cho cùng, sau chuyện này, thay vì chỉ trích, tẩy chay các đơn vị kinh doanh, thay vì tuyên bố “Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam...

Phần hát Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào bị tắt tiếng trên nền tảng online

Pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp”… thì có nhiều chuyện đáng phải làm ngay và luôn.

Thứ nhất là quy định tất cả các tổ chức, cơ quan khi tham gia các sự kiện quốc tế phải thông báo cho Ban tổ chức dùng bản Quốc ca chính thức của Việt Nam. Tốt nhất là chuyển cho họ bản ghi âm chính thức.

Thứ hai, muốn làm được điều đấy, thì các cơ quan Nhà nước (chưa nói đến toàn dân), phải biết bản Quốc ca chính thức là bản nào.

Mấy hôm nay, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo rộng rãi trên truyền thông về việc bài “Tiến quân ca” (Quốc ca Việt Nam) đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm vào năm 1998.

Bản thu âm này đã được Ban Tuyên giáo Trung ương duyệt và cho phép phát hành trong cả nước, yêu cầu sử dụng chính thức trong các nghi lễ trọng thể của Đảng và Nhà nước, các địa phương, đoàn thể.

Tuy nhiên, bản Quốc ca này lại có lời 2, mà gần đây, ở tất cả các sự kiện trọng đại của đất nước Quốc ca chỉ phát lời 1. Rõ ràng, rất cần làm rõ và truyền thông rộng rãi cho toàn dân biết bản ghi âm Quốc ca nào là bản chính thức.

Thứ ba, phải có cơ quan Nhà nước đăng ký bản quyền Quốc ca này với các nền tảng số. Đừng nghĩ ta cứ công bố trong nước là mặc nhiên họ phải biết và công nhận.

Chỉ khi rõ ràng, có sự chuẩn bị chu đáo như vậy, mới không có chuyện Quốc ca bị tắt tiếng khi xuất hiện trên các nền tảng số đa quốc gia khiến cho những người yêu nước phải nghẹn ngào.

Nam Hồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quoc-ca-nhung-chuyen-phai-lam-d535290.html