Quốc gia châu Âu phản đối xuất vũ khí sang Ukraine, Mỹ-Pháp bàn việc áp 'cái giá phải trả' lên Nga

Ngày 7/3, phát biểu bên lề các phiên họp tại Liên hợp quốc, Tổng thống Thụy Sỹ Alain Berset tuyên bố, nước này duy trì quan điểm phản đối hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Ukraine.

Tổng thống Thụy Sỹ Alain Berset khẳng định việc thảo luận xuất khẩu vũ khí sang Ukraine là không khả thi. (Nguồn: Tagesanzeige)

Tổng thống Thụy Sỹ Alain Berset khẳng định việc thảo luận xuất khẩu vũ khí sang Ukraine là không khả thi. (Nguồn: Tagesanzeige)

Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 7/3, ông Alain khẳng định việc thảo luận về xuất khẩu vũ khí là không khả thi đối với chính phủ và Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ trong khi nước này có quy định pháp lý duy trì tính trung lập.

Theo nhà lãnh đạo: "Chúng tôi bắt buộc và mong muốn duy trì khuôn khổ pháp lý và làm việc trong khuôn khổ pháp lý này".

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hồi cuối tháng 2, Đức ngỏ ý mua xe tăng Leopard 2 cũ của Thụy Sỹ, đồng thời đảm bảo không chuyển giao cho Ukraine.

Đến nay, Thụy Sỹ giữ quan điểm trung lập về quân sự. Tổng thống Berset khẳng định các biện pháp trừng phạt Nga là hoàn toàn không phù hợp với chính sách trung lập của nước này.

Vì vậy, bất chấp áp lực từ Kiev và các đồng minh, Thụy Sỹ vẫn không cho phép các quốc gia nắm giữ vũ khí do nước này sản xuất tái xuất khẩu sang Ukraine, đồng thời từ chối các yêu cầu được mua vũ khí từ Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch.

Theo quy định hiện hành, Thụy Sỹ cấm tái xuất khẩu vũ khí của nước này cho các quốc gia có xung đột.

Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Berset nhấn mạnh, Quốc hội nước này đang thảo luận một số sáng kiến nhằm nới lỏng quy tắc tái xuất khẩu vũ khí, song sẽ có thể mất vài tháng và vẫn phải tuân thủ trong khuôn khổ luật pháp.

Cùng ngày, Nhà Trắng ra thông báo cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, trong đó thảo luận về xung đột ở Ukraine.

Theo thông báo, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự ủng hộ của họ đối với Ukraine, bao gồm cả cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine và áp đặt "cái giá phải trả" cho Nga.

Ngoài ra, các tổng thống cũng thảo luận về sự hợp tác giữa Mỹ và Pháp trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như những nỗ lực chung nhằm giải quyết các thách thức do Trung Quốc đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

(theo Reuters, White House, AFP)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quoc-gia-chau-au-phan-doi-xuat-vu-khi-sang-ukraine-my-phap-ban-viec-ap-cai-gia-phai-tra-len-nga-219152.html