Quốc gia châu Phi được mệnh danh là 'thiên đường hàng nhái'

Ở Nigeria, những hàng nhái hoặc hàng giả được mô phỏng theo các thương hiệu thể thao hoặc đồ sang trọng phổ biến, chúng có giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá gốc.

Vào một buổi chiều tháng chín tại Chợ Balogun, một khu chợ thời trang và dệt may nổi tiếng ở Lagos, Nigeria, những người buôn bán nhỏ lẻ đang tiến hành trưng bày hàng hóa của họ. Một số bầy đồ tràn lan ra cả lòng đường, khiến giao thông bị cản trở và buộc người đi bộ phải đi vòng qua chúng.

AIDADS, GUCCY

Nhiều mặt hàng được bày bán trông rất quen thuộc. Một số thương nhân đã bán những đôi giày có logo gợi nhớ đến dấu tick của Nike hoặc hình kẻ ba sọc của Adidas. Điểm khác biệt nằm ở chỗ, chúng đều mang một cái tên khác như Aidads, Baiencglaca, Berbuery và Guccy. Nhiều thương nhân còn nhiệt tình chèo kéo khách, đưa ra họ đến tận cửa hàng. “Quần jean, thắt lưng, giày thiết kế nguyên bản; Hãy theo tôi và tôi sẽ bán cho bạn giá bán buôn”, một người nói.

Ở Nigeria, những hàng nhái hoặc hàng giả này được mô phỏng theo các thương hiệu thể thao hoặc đồ sang trọng phổ biến, chúng có giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá gốc. Và trước khi tiếp cận những khách hàng Nigeria như khách hàng ở Chợ Balogun, họ thường bắt đầu hành trình của mình trên các nền tảng mua sắm Trung Quốc.

 Hàng giả, hàng nhái xuất hiện dày đặc ở Nigeria.

Hàng giả, hàng nhái xuất hiện dày đặc ở Nigeria.

Bất chấp nhiều năm đấu tranh pháp lý và hứa hẹn về các biện pháp trừng phạt cũng như các công cụ chống hàng giả được thiết lập, nhiều nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc vẫn tràn ngập hàng nhái các thương hiệu may mặc được yêu thích trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ đã xác định các trang web, bao gồm AliExpress, Taobao và DHgate, là “thị trường khét tiếng” về hàng giả và vi phạm bản quyền.

Nhưng vẫn cực kỳ dễ dàng tìm thấy hàng giả có thương hiệu với chất lượng khác nhau trên các nền tảng này. Bạn có muốn một chiếc túi xách nhái Dolce & Gabbana với giá dưới 20 USD không? Thế còn một đôi Fikes rẻ tiền, hoặc có thể là Mikes thì sao? Tờ Rest of World đã nói chuyện với 40 thương nhân tại chợ, 35 người trong số họ cho biết họ nhận hàng từ các nền tảng Trung Quốc hoặc trực tiếp từ các nhà sản xuất mà họ đã gặp trên nền tảng Trung Quốc và từ đó đã xây dựng mối quan hệ.

Theo Ganiu Adewuyi, giám đốc điều hành tại ABSAS Nigeria Limited, người đã làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Châu Phi trong hơn 30 năm, trước sự trỗi dậy của các trang thương mại điện tử Trung Quốc, mua quần áo đã qua sử dụng là cách phổ biến nhất mà nhiều người Nigeria chọn lựa.

Các thương nhân thường nhập khẩu các kiện hàng thiết kế cũ và quần áo thể thao từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Châu Âu, Mỹ. Mặc dù thị trường quần áo cũ vẫn còn sôi động ở Nigeria nhưng hiện nay nhiều thương nhân cũng bán hàng giả có nguồn gốc từ Trung Quốc cùng với các sản phẩm này.

Một câu chuyện tương tự đã diễn ra ở nơi khác. Ví dụ, ở Mỹ, hàng giả sản xuất tại Trung Quốc trước đây phần lớn được bán ở các góc phố hoặc trong chợ. Nhưng với sự phát triển của thương mại điện tử, giờ đây chúng thường được mua và bán trực tuyến, cả trên các nền tảng của Trung Quốc và các trang web của Mỹ như Amazon và eBay.

Deepankar Rustagi, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của nền tảng thương mại điện tử B2B OmniBiz Africa có trụ sở tại Lagos nói rằng hàng giả đã tràn lan ở Nigeria trong hơn một thập kỷ và Trung Quốc luôn là nhà cung cấp. Nhưng trước đây, người ta chỉ có thể có được những hàng hóa này khi đến Trung Quốc và mang về. Rustagi nói: “Tôi lớn lên ở Ikorodu - khu vực ngoại ô Lagos và vào những năm 1996, 1997, bạn vẫn có thể mua một chiếc đồng hồ Rolex đến từ Trung Quốc. Nhưng thị trường đã trở nên có cấu trúc nhờ thương mại điện tử”.

Ông nói, trước đây, người bán sẽ phải đoán xem kích thước sản phẩm nào sẽ được yêu cầu nhiều nhất, nhưng giờ đây họ có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn nhiều. Rustagi cho biết sự tiến bộ của ngành thương mại điện tử Trung Quốc đã giúp số hóa và mở rộng thị trường hàng giả của đất nước. Với một số tiền nhỏ, bất kỳ ai cũng có thể đặt mua một lượng hàng hóa nhỏ và trở thành doanh nhân.

Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát thị trường hàng giả trực tuyến, bao gồm cả việc đưa ra luật vào năm 2019 nhằm yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử – không chỉ người bán cá nhân – có trách nhiệm hơn. Nước này đôi khi cũng tịch thu và tiêu hủy hàng giả. Các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba và các đối tác đã triển khai các nỗ lực quản trị và kỹ thuật của riêng họ để giảm thiểu hàng giả trên nền tảng. Nhưng có vẻ như ngay khi một liên kết giả mạo được báo cáo và xóa đi thì một liên kết khác lại xuất hiện.

“Hơn 90% thương hiệu thời trang chúng tôi bán ở Nigeria là hàng nhái và chủ yếu đến từ Trung Quốc. Người Nigeria muốn trông đẹp đẽ, họ muốn mặc những gì họ thấy trên TV. Nhưng họ không có đủ khả năng để mua những mặt hàng này. Một khi có nhu cầu về những thứ này, sẽ luôn có chỗ cho người ta mang đến những sản phẩm nhái”.

Các nhà lập pháp Nigeria đã thảo luận về việc ngăn chặn các sản phẩm giả, bao gồm cả quần áo giả. “Nhưng việc thiếu luật cụ thể và cơ chế thực thi mạnh mẽ gây khó khăn”, Adeniyi Duale, đối tác tại công ty luật Duale, Ovia & Alex-Adedipe có trụ sở tại Lagos nói với Rest of World.

Ông nói: “Nigeria cũng đã tham gia thảo luận với chính quyền Trung Quốc để giải quyết vấn đề tận gốc. Hơn nữa, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Nigeria, các biện pháp kiểm soát biên giới chưa đủ mạnh và biên giới lỏng lẻo có thể tạo điều kiện cho hàng giả xâm nhập vào nước này dễ dàng hơn”.

Ochije Nnani, một chuyên gia thương mại điện tử kỳ cựu và đồng sáng lập của Fazsion, một chợ thời trang bán buôn có trụ sở tại Lagos cho biết: “Hơn 90% thương hiệu thời trang chúng tôi bán ở Nigeria là hàng nhái và chủ yếu đến từ Trung Quốc. Người Nigeria muốn trông đẹp đẽ, họ muốn mặc những gì họ thấy trên TV. Nhưng họ không có đủ khả năng để mua những mặt hàng này. Một khi có nhu cầu về những thứ này, sẽ luôn có chỗ cho người ta mang đến những sản phẩm nhái”.

Nhiều nền tảng bán các sản phẩm này đặc biệt nhắm đến các đại lý. Trên các trang bán buôn như YiToo và 1688 thuộc sở hữu của Alibaba, một đôi Nike hoặc Adidas hàng nhái có thể có giá dưới 10 USD nếu bạn mua nhiều hơn hai đôi.

LÀM GIÀU NHỜ HÀNG TRUNG QUỐC

Namang Banah, 33 tuổi, sống ở Lagos, bắt đầu bán buôn hàng hóa vào năm 2018, khi anh đến tỉnh Hồ Nam theo học bổng học tiếng Trung. Vào thời điểm đó, người Nigeria đã bắt đầu mua sắm trên AliExpress nhưng chưa có trên Taobao hay 1688, do bị thu hút bởi mức giá tương đối rẻ.

Nhưng khó khăn trong việc xử lý thanh toán giữa hai nước và rào cản ngôn ngữ là một trong những lý do khiến các trang thương mại điện tử của Trung Quốc không thể truy cập dễ dàng. Banah nói với Rest of World rằng anh nhận ra rằng việc sống ở Trung Quốc có nghĩa là anh đang “ngồi trên một mỏ vàng”. Anh đang ở vị trí hoàn hảo để đóng vai trò là người trung gian giữa bạn bè ở quê nhà và các nền tảng mua sắm Trung Quốc mà họ muốn mua hàng.

Banah cho biết anh đang gặp khó khăn về tài chính vào thời điểm đó vì tiền trợ cấp anh nhận được từ nhà không đủ sống. Anh nói: “Khám phá thế giới thương mại điện tử là lựa chọn hợp pháp nhất mà tôi có để tồn tại và kiếm sống”.

Khởi đầu chỉ với 35.000 naira (98 USD vào thời điểm đó), Banah bắt đầu giúp mọi người ở Nigeria mua hàng trên các nền tảng như Taobao. Khách hàng sẽ chia sẻ liên kết đến các sản phẩm họ muốn và anh ấy sẽ mua hàng, sử dụng địa chỉ của mình ở Trung Quốc làm điểm giao hàng. Khi hàng đến, anh phân loại rồi chuyển đến Nigeria, tính phí hoa hồng khoảng 5%–10% tùy theo số lượng đặt hàng.

Sáu năm sau, các khoản thanh toán trên các nền tảng này dễ tiếp cận hơn đối với những người không phải là người Trung Quốc, mở ra thế giới thương mại điện tử Trung Quốc cho hàng triệu nhà giao dịch và khách hàng trên toàn cầu, bao gồm cả những người châu Phi đam mê đồ sành điệu.

Banah đã quay trở lại Nigeria, và công ty Blackanese Courier của anh trong 5 năm đã chuyển hơn 11 tấn hàng hóa Trung Quốc về quê hương. Anh bán cho bất kỳ ai muốn mua hàng từ Trung Quốc, bao gồm cả việc cung cấp cho những người bán hàng Nigeria khác.

 Chợ Balogun.

Chợ Balogun.

Trở lại Chợ Balogun, trong trung tâm mua sắm năm tầng có tên Rainbow Plaza, Lolade Giwa đang phỏng vấn một nhân viên mới tiềm năng cho cửa hàng của cô. “Quy tắc của tôi rất đơn giản: Phải có ít nhất một người trong cửa hàng và anh không được ăn trộm”, Giwa nói với chàng trai trẻ. Phía sau cô là một tấm gương lớn, có đèn dây xung quanh chiếu sáng. Các bức tường khác có kệ gỗ cao từ trần đến sàn, chất đầy những túi xách và giày hàng hiệu được cho là của Louis Vuitton và Gucci. Những chiếc hộp có nhãn hiệu Trung Quốc được xếp ở một bên.

Giwa nói với Rest of World rằng công việc kinh doanh đang bùng nổ và cô đang có kế hoạch mở rộng cửa hàng của mình, đó là lý do tại sao cô cần thuê thêm người trợ giúp. Cô cho biết cô đã gặp người bán qua các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như 1688 và hiện có thể kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất tại Trung Quốc. Cô mua bất cứ thứ gì nhà sản xuất có trong kho hoặc cung cấp cho họ thông số kỹ thuật của sản phẩm cô ấy muốn, họ sản xuất số lượng lớn rồi giao cho cô ấy.

Khi hàng đến Nigeria, Giwa bán cả cho các nhà bán lẻ khác và trực tiếp cho khách hàng thông qua phương pháp tiếp cận đa kênh. Ngoài cửa hàng không cần hẹn trước mà cô cho rằng giúp xây dựng lòng tin của khách hàng, cô còn điều hành một trang kinh doanh trên Instagram và ba nhóm WhatsApp mà gần đây cô đã sáp nhập thành một cộng đồng duy nhất gồm hơn 700 thành viên.

Cửa hàng của cô ở Chợ Balogun cũng là địa chỉ văn phòng. Mọi người có thể nhận hàng trực tiếp hoặc đặt hàng qua tin nhắn trực tiếp và nhận hàng. Giwa cho biết cô kiếm được trung bình 3–5 triệu naira (3.700–6.200 USD) doanh thu hàng tháng.

Bảo Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/quoc-gia-chau-phi-duoc-menh-danh-la-thien-duong-hang-nhai-post545421.html