Quốc gia có chiến lược sống chung với Covid-19 được cho là 'mẫu mực' cũng vật lộn với biến thể
4 tuần trước, Israel đã ăn mừng sự trở lại cuộc sống bình thường trong trận chiến với Covid-19. Nhưng 'thế trận' giờ đã thay đổi.
Sau đợt tiêm chủng nhanh chóng giúp giảm thiểu ca nhiễm và tử vong do Covid-19, người dân Israel đã ngừng đeo khẩu trang và từ bỏ mọi quy tắc làm xa xã hội. Tuy nhiên, biến thể Delta xuất hiện sau đó với khả năng lây lan dễ dàng và nhanh chóng hơn khiến gia tăng số ca mắc mới, buộc Thủ tướng Naftali Bennett phải áp dụng lại một số hạn chế Covid-19 và xem xét lại chiến lược.
Chiến lược “đàn áp mềm”
Theo chính sách "đàn áp mềm" mà ông Bennett đưa ra, Chính phủ muốn người Israel học cách sống chung với virus - tuân thủ những hạn chế ít nhất có thể và tránh một cuộc đóng cửa quốc gia lần thứ tư có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế.
Do hầu hết những người Israel trong nhóm nguy cơ hiện đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, ông Bennett đang trông cậy rằng sẽ có ít người mắc bệnh lâm vào tình trạng nguy kịch hơn trước, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng trở lại.
"Thực hiện chiến lược sẽ kéo theo những rủi ro nhất định nhưng xét tổng thể, bao gồm cả các yếu tố kinh tế, đây là sự cân bằng cần thiết", Thủ tướng Bennett cho biết vào tuần trước.
Chỉ số chính để từ đó chính quyền ra quyết sách là số ca Covid-19 nghiêm trọng phải nhập viện. Việc triển khai sẽ bao gồm việc giám sát số ca nhiễm mới, khuyến khích tiêm chủng, xét nghiệm nhanh và các chiến dịch truyền thông tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang.
Chiến lược này từng được đem lên bàn cân so sánh với các kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm mở cửa nền kinh tế xứ sở sương mù khỏi tình trạng bế tắc, mặc dù Israel đang trong quá trình khôi phục một số hạn chế trong khi London đang dỡ bỏ các hạn chế.
Một số quy định hạn chế đã được khôi phục bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà và cách ly đối với tất cả người đến Israel. Chiến lược của ông Bennett, tương tự như chiến lược của Chính phủ Anh, đã bị một số nhà khoa học nghi ngờ. Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng của Bộ Y tế Israel nói với Kan Radio hôm 11/7 rằng: “Khả năng sẽ không gia tăng mạnh số người nhiễm bệnh lâm vào tình trạng nguy kịch, nhưng cái giá phải trả cho những sai lầm như vậy mới là điều chúng tôi lo lắng”. Nhiều nhà khoa học khác cũng ủng hộ ý kiến trên.
"Tôi rất ủng hộ cách tiếp cận của Israel", Nadav Davidovitch, giám đốc trường y tế công cộng tại Đại học Ben Gurion của Israel, cho biết đây là "con đường vàng" giữa việc Anh nới lỏng các hạn chế và các quốc gia như Australia đang thực hiện chính sách cứng rắn hơn.
Virus sẽ “không dừng lại”
Đợt phong tỏa gần nhất của Israel đã được triển khai vào tháng 12/2020, khoảng 1 tuần sau khi bắt đầu chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới.
Các ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày đang ở mức khoảng 450. Biến thể Delta, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ, hiện chiếm khoảng 90% các trường hợp mắc mới ở Israel.
"Dự kiến Israel sẽ không có những đợt bùng phát ca bệnh nặng như trước", Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Nachman Ash, cho biết vào tuần trước. "Nhưng nếu số lượng và tỷ lệ gia tăng các ca bệnh nặng đang gây nguy hiểm cho hệ thống (y tế), thì chúng tôi sẽ phải thực hiện các bước tiếp theo", Bộ trưởng Nachman Ash nói.
Khoảng 60% trong tổng dân số 9,3 triệu người Israel đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Pfizer/BioNtech. Hôm 11/7, Chính phủ bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu.
Ran Balicer, Chủ tịch hội đồng chuyên gia của Chính phủ về Covid-19, cho biết trung bình Israel có khoảng 5 trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng và 1 trường hợp tử vong mỗi ngày trong tuần trước, sau 2 tuần không có trường hợp tử vong nào liên quan đến Covid-19.
Ghi nhận tác động của biến thể Delta, ông cho biết ban hội thẩm vẫn khuyên người dân nên thận trọng đối với việc loại bỏ các hạn chế.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech với biến thể Delta vẫn thấp hơn so với các chủng virus corona khác. Trước những lời chỉ trích từ một số nhà khoa học, Pfizer (PFE.N) và BioNTech SE cho biết họ sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu cho phép mũi tiêm tăng cường (mũi thứ 3) để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm gia tăng trong 6 tháng sau khi tiêm.
Israel không vội vàng thông qua các đợt tiêm chủng tăng cường công khai, khẳng định chưa có dữ liệu rõ ràng cho thấy chúng là cần thiết, và phê duyệt mũi thứ 3 cho những người có hệ thống miễn dịch yếu trong từng trường hợp cụ thể.
Các nhà chức trách Israel cũng đang cân nhắc việc cho phép trẻ em dưới 12 tuổi uống vaccine này trong từng trường hợp cụ thể. Bộ trưởng Ash cho biết chỉ có "vài trăm" trong số 5,5 triệu người đã được tiêm vaccine ở Israel bị nhiễm Covid-19.
Trước khi biến thể Delta xuất hiện, Israel đã ước tính 75% dân số cần được tiêm vaccine để đạt được "miễn dịch bầy đàn" - mức độ mà dân số được chủng ngừa đủ để có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan một cách hiệu quả. Ngưỡng ước tính hiện là 80%.
"Virus sẽ không dừng lại. Nó đang phát triển, đó là bản chất của nó. Nhưng bản chất của chúng ta là tồn tại”, Bác sĩ Gadi Segal, người đứng đầu bộ phận ứng phó Covid-19 tại Trung tâm y tế Sheba gần Tel Aviv, cho biết.