Quốc gia đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất lên 200%
Ngân hàng trung ương Zimbabwe bày tỏ quan ngại lớn về lạm phát và nâng lãi suất từ 80% lên 200% để hạn chế đầu cơ tiền tệ.
Ngân hàng trung ương Zimbabwe vừa tăng lãi suất chuẩn lên mức cao kỷ lục. Đây là một biện pháp do chính phủ thông qua nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái, Bloomberg đưa tin.
Thống đốc John Mangudya ngày 27/6 thông báo Ủy ban chính sách tiền tệ đã tăng lãi suất lên 200% từ 80%. Điều đó đưa mức tăng tích lũy trong năm nay lên 14.000 điểm cơ bản - con số cao nhất trên toàn cầu.
“Ủy ban chính sách tiền tệ bày tỏ quan ngại về sự gia tăng lạm phát gần đây. Ủy ban nhấn mạnh rằng sự gia tăng lạm phát đang làm suy yếu nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng. Nếu không được kiểm soát, những thành tựu kinh tế lớn đã đạt được trong hai năm qua sẽ bị đảo ngược", ông Mangudya nói.
Giá hàng hóa tăng cao vọt bắt nguồn từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga - Ukraine và những hệ lụy kéo dài của các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch Covid-19. Điều này đã dồn áp lực lên đồng nội tệ và sự trượt giá của nó đã dẫn đến sự bùng nổ việc sử dụng đôla Mỹ để thanh toán từ thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men cho đến học phí.
Lạm phát hàng năm đã ở mức ba con số trong hai tháng liên tiếp, tăng nhanh lên 191,6% vào tháng 6 từ mức 131,7% vào một tháng trước đó. Đồng nội tệ của Zimbabwe đã giảm 69% xuống còn 352,06 ZWL so với USD trong năm nay.
Trong cuộc họp báo ngày 27/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mthuli Ncube thông báo rằng chính phủ sẽ hợp pháp hóa việc sử dụng đồng đôla Mỹ trong 5 năm tới để giúp ổn định đồng tiền Zimbabwe.
Trước đây, đất nước này đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nội tệ, từ việc cấm cho vay ngân hàng trong 10 ngày, hạn chế giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Zimbabwe, cho phép các công ty nộp thuế tại đơn vị địa phương cho đến việc đưa ra một tỷ giá liên ngân hàng mới, cho phép các giao dịch thương mại diễn ra.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tung ra nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ tích cực nhất kể từ những năm 1980 để kiềm chế lạm phát, ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài và sự suy yếu của tiền tệ khi các nhà đầu tư săn lùng lợi tức cao hơn.