Quốc gia được mệnh danh là 'thiên đường dành cho người dưới 30 tuổi'

27 tuổi, Bernard Meyer chuyển từ Mỹ đến Lithuania. Sau hơn 10 năm ở 'quốc gia hạnh phúc nhất dành cho người trẻ', anh chấp nhận mức thu nhập thấp để có chất lượng sống tốt hơn.

 Lithuania là quốc gia hạnh phúc nhất dành cho người dưới 30 tuổi.

Lithuania là quốc gia hạnh phúc nhất dành cho người dưới 30 tuổi.

Meyer, giám đốc sáng tạo và truyền thông cấp cao tại nền tảng tự động hóa tiếp thị Omnisend, đã định cư ở thủ đô Vilnius của Lithuania vào năm 2012, sau khi tốt nghiệp năm 2008 - thời điểm xảy ra cuộc Đại suy thoái.

Người đàn ông 39 tuổi này chia sẻ với CNBC Make It: "Tôi có hai lựa chọn, một là quay lại làm việc tại Starbucks sau khi tốt nghiệp đại học, hai là lấy bằng và đi dạy tiếng Anh ở nước ngoài".

Meyer ban đầu nhận công việc dạy tiếng Anh ở Mông Cổ vào năm 2009. Sau đó, anh trai của Meyer đã rủ anh đi thăm một người bạn ở Vilnius. Meyer đã ở lại Vilnius trong vài tháng và gặp bạn gái người Lithuania, cũng là vợ hiện tại của anh.

Những gì Meyer tìm thấy ở Vilnius là một thế giới khác biệt so với cuộc sống của anh tại Mỹ.

"Điều tôi thấy ở đây là nhịp sống chậm hơn, nhưng không đến nỗi quá chậm", Meyer giải thích. "So với ở Mỹ, mọi người không quá tập trung vào việc hối hả hoặc luôn thúc đẩy bản thân kiếm thêm tiền".

Sau khi hoàn thành hợp đồng giảng dạy ở Đài Loan (Trung Quốc), anh chuyển đến Vilnius và hiện vẫn sống ở đó với vợ cùng hai con gái.

Nhiều lao động trẻ chuyển đến Lithuania vì cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và sự cân bằng hấp dẫn giữa công việc và cuộc sống. Lithuania gần đây đã được xếp hạng số 1 thế giới là quốc gia hạnh phúc nhất dành cho những người dưới 30 tuổi trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024. Quốc gia này được xếp hạng là hạnh phúc thứ 19 trên toàn thế giới.

"10 năm trước, tôi cho rằng điều đó rất khó hiểu", Meyer nói, bình luận về bảng xếp hạng. Vào thời điểm đó, đất nước này đang phải vật lộn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, hiện nay, mọi thứ đã rất khác, và theo Meyer, nơi đây đã trở thành quốc gia tuyệt vời để những người trẻ tuổi sinh sống. Đất nước này đã đưa ra một số chương trình để thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao, bao gồm thời gian xử lý thị thực ngắn và mức trợ cấp khi đến là 3.788 euro (4.170 USD) cho người nước ngoài được tuyển dụng theo hợp đồng dài hạn cho một số vai trò có giá trị gia tăng cao.

Meyer đã nêu ra những lợi ích chính khi sống tại Lithuania:

Chất lượng cuộc sống tốt hơn

Meyer dành những năm đầu ở Vilnius làm việc trong lĩnh vực giáo dục và giảng dạy tại các trường tư trước khi chuyển sang ngành tiếp thị nội dung vào năm 2016.

Mặc dù kiếm được ít tiền hơn những người đồng nghiệp ở Mỹ, Meyer cho biết anh có chất lượng cuộc sống tốt, sở hữu căn hộ ở Vilnius và ngôi nhà nghỉ mát ở một thị trấn gần đó.

 Meyer đã sống ở Lithuania hơn 10 năm.

Meyer đã sống ở Lithuania hơn 10 năm.

Theo cơ sở dữ liệu chi phí sinh hoạt Numbeo, chi phí sinh hoạt ở Lithuania bao gồm cả tiền thuê nhà thấp hơn khoảng 41% so với ở Mỹ.

"Tôi nghĩ rằng lúc mới đến đây và nhìn vào tổng thể, bạn nhìn thấy sự khác biệt rõ ràng về mức lương, cảm giác cuộc sống tại đây thật xa xỉ", Meyer nói. Nhưng Meyer không muốn quay lại Mỹ, một phần vì hiện tại anh có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí và biết rằng gia đình sẽ được chăm sóc ở Lithuania.

Có một lần Meyer đã phẫu thuật đầu gối vì bị rách dây chằng và phải nằm viện 3 ngày ở Vilnius, nhưng cuối cùng "hóa đơn là 0". Anh giải thích rằng ngay cả khi cần dịch vụ của bác sĩ tư, chi phí vẫn hợp lý hơn so với ở Mỹ.

"Ở Mỹ, bạn được trả lương cao hơn, có nhiều tiền hơn. Nhưng bạn cũng bị căng thẳng cao độ vì có thể gặp điều gì đó không ổn và sau đó toàn bộ ngân sách, tiền tiết kiệm hết sạch".

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Vilnius là "trung tâm công nghệ mới nổi", Meyer cho biết. Thành phố này có hơn 890 công ty khởi nghiệp và đã sản sinh ra 3 kỳ lân cho đến nay, bao gồm Vinted, Nord Security và Baltic Classifieds Groups.

Một khuôn viên công nghệ trị giá 110 triệu USD, rộng 55.000 m2 cũng đang được xây dựng tại Vilnius và dự kiến có 5.000 nhân viên kỹ thuật số - điều này sẽ khiến nơi đây trở thành khuôn viên khởi nghiệp lớn nhất ở châu Âu.

Cảnh tượng đang phát triển đã tạo cảm hứng cho một nền văn hóa hối hả hơn, nhưng Meyer cho biết nó vẫn rất khác so với văn hóa làm việc ở Mỹ.

 Meyer cho biết thu nhập của anh ở Lithuania thấp hơn, nhưng đổi lại là một cuộc sống cân bằng hơn khi ở Mỹ.

Meyer cho biết thu nhập của anh ở Lithuania thấp hơn, nhưng đổi lại là một cuộc sống cân bằng hơn khi ở Mỹ.

"Khi tôi mới đến đây, một trong những điều tôi nhận thấy là mọi người đều có một công việc phụ, nhưng họ không làm việc từ 9 đến 17h rồi từ 17 đến 21h với công việc phụ đó", anh nói. "Họ chỉ làm thêm một chút việc để vẫn cân bằng được công việc và cuộc sống. Vì vậy, họ có văn hóa làm việc chăm chỉ nhưng không phải là theo kiểu tự giết mình".

Meyer nói thêm rằng mọi thứ sau 17h ở Vilnius rất "thoải mái", mọi người thường đến các quán bar và quán cà phê sau giờ làm việc hoặc đi dạo, đạp xe.

Anh nhấn mạnh rằng Vilnius là thành phố xinh đẹp, nơi mọi người coi trọng việc kết nối với thiên nhiên. Điều này giúp người dân thoải mái, dễ dàng đi bộ trong thành phố.

"Trong giờ làm việc, mọi người chăm chỉ và hối hả. Nhưng sau đó, họ tắt máy và biết cách ngắt kết nối. Tôi nghĩ đây là bí quyết giúp họ hạnh phúc".

Ngoài ra, Meyer cảm thấy ngày nghỉ rất được tôn trọng ở Lithuania. Hiện tại, với tư cách là người quản lý, anh cho biết không bao giờ yêu cầu nhân viên làm việc vào cuối tuần hoặc ngày lễ. "Chúng tôi không làm việc ở khoa cấp cứu trong bệnh viện. Có thể có một vài tình huống khẩn cấp, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ kỳ nghỉ của mình", Meyer nói.

Lê Vy

Ảnh: Luxurious, CNBC

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/quoc-gia-duoc-menh-danh-la-thien-duong-danh-cho-nguoi-duoi-30-tuoi-post1492549.html