Quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn đang ở năm 2016

Tại Đông Phi, có một đất nước 'đi sau' thế giới 7 năm 8 tháng và ngày 11/9 tới, họ mới bước qua năm 2017. Khách du lịch đến đây đều sửng sốt khi biết họ đã 'quay ngược thời gian'.

Vào ngày 11/9, người dân Ethiopia sẽ kỷ niệm sự kết thúc của một năm và bắt đầu năm mới.

Tuy nhiên, trong khi quốc gia Đông Phi này đón chào năm mới trong vài tháng tới thì về mặt kỹ thuật, đó mới chỉ là năm 2017 theo lịch Ethiopia, theo CNN.

Vậy tại sao Ethiopia, quốc gia đông dân thứ hai châu Phi, lại chậm hơn 7 năm và 8 tháng so với phần lớn thế giới?

Hệ thống lịch riêng

Ở Ethiopia, năm sinh của Chúa Jesus (Christ) được công nhận muộn hơn khoảng 7-8 năm so với lịch Gregorian, hay lịch “phương Tây” (dương lịch), do Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra vào năm 1582.

Theo các chuyên gia, Giáo hội La Mã đã điều chỉnh cách tính vào năm 500 CN, trong khi Giáo hội Chính thống giáo Ethiopia chọn cách giữ nguyên mốc thời gian cổ xưa.

Kết quả, mặc dù phần lớn thế giới chuyển sang sử dụng lịch Gregorian, nhưng Ethiopia vẫn giữ nguyên lịch của riêng mình.

“Chúng tôi là duy nhất”, Eshetu Getachew, giám đốc điều hành của Rotate Ethiopia Tours And Travel cho biết. “Chúng tôi có lịch riêng của mình. Chúng tôi có bảng chữ cái riêng và truyền thống văn hóa riêng”.

Được cho là có niên đại ít nhất 1.500 năm trước, lịch Ethiopia có nhiều điểm tương đồng với lịch Coptic của Giáo hội Chính thống Coptic ở Alexandria (Ai Cập).

Theo hệ thống Mặt Trời - Mặt Trăng, lịch Ethiopia dài 13 tháng, với 12 tháng đầu mỗi tháng có 30 ngày. Tháng cuối cùng chỉ có 5 ngày, hoặc 6 ngày vào năm nhuận.

 Năm mới của Ethiopia được tổ chức vào tháng 9, khi loài hoa bản địa Adey Abeba nở rộ. Ảnh: Abel Gashaw.

Năm mới của Ethiopia được tổ chức vào tháng 9, khi loài hoa bản địa Adey Abeba nở rộ. Ảnh: Abel Gashaw.

Khách du lịch đến thăm Ethiopia thường sửng sốt khi biết rằng họ đã “quay ngược thời gian”. Một số người bày tỏ sự hoang mang trên mạng xã hội.

Dù vậy, do các doanh nghiệp và trường học quốc tế tại Ethiopia vẫn có xu hướng sử dụng lịch Gregorian, nhiều người dân quyết định dùng đồng thời cả lịch truyền thống của Ethiopia và lịch phương Tây.

“Điều đó rất khó khăn”, nhà khảo cổ học người Ethiopia Goitom W. Tekle, hiện làm việc tại Đức, nói với CNN Travel. “Tôi vẫn không thể chuyển sang hoàn toàn… Đó thực sự là thử thách”.

“Tôi cần cân nhắc đến giờ, ngày. Đôi khi là tháng và thậm chí là cả năm”, ông nói.

Nhầm lẫn ngày tháng

Ngay cả những việc đơn giản như xin giấy khai sinh cũng có thể gây ra vấn đề khi cố gắng hợp nhất hệ thống của Ethiopia và hệ thống phương Tây.

“Giả sử, bạn có một đứa bé 3 tuổi và phải nộp đơn xin giấy khai sinh cho bé tại thành phố hoặc chính quyền địa phương”, nhà sử học người Đức Verena Krebs, cho hay.

“Bạn ghi theo hệ thống thời gian của Ethiopia, sau đó phải tin tưởng rằng nhân viên sẽ chuyển đổi lịch chính xác… Tồn tại biến số nhất định có thể dẫn đến việc có nhiều ngày sinh khác nhau”, bà nói.

Mặc dù Verena Krebs lưu ý điều này có vẻ bất thường đối với người không quen, đó không còn là điều khiến bà phải suy nghĩ nhiều nữa.

“Bạn chỉ cần thích nghi với hệ thống”, bà chia sẻ. “Đôi khi, tôi thậm chí còn không ý thức đây là điều khiến mọi người có thể thấy ngạc nhiên, vì nó đã trở nên quá bình thường”.

Krebs cũng cho rằng lịch truyền thống của Ethiopia không phải là lịch riêng biệt duy nhất, lấy ví dụ lịch Ai Cập cổ đại - nơi năm 2024 tương ứng với năm 6266.

“Đó rõ ràng là cách đếm thời gian rất khác”, bà cho biết.

Saudi Arabia có truyền thống ưu tiên lịch Hijri, gồm 12 tháng với 354 ngày, nhưng gần đây đã chấp thuận việc sử dụng lịch Gregorian cho các giao dịch chính thức.

Cách tiếp cận “hợp lý”

Nhiếp ảnh gia Abel Gashaw là một trong số nhiều người Ethiopia thích nghi với việc chuyển đổi giữa hai lịch.

Tuy nhiên, anh thừa nhận anh thích lịch của Ethiopia hơn, mô tả nó “hợp lý hơn”, đặc biệt khi nói đến thời điểm đầu năm.

Năm mới, hay “Enkutatash” - có nghĩa là “món quà của đá quý” trong tiếng Amharic của người Semitic ở Ethiopia - đến vào cuối mùa mưa.

 Các cô gái Ethiopia cầm hoa Adey Abeba. Ảnh: Shutterstock.

Các cô gái Ethiopia cầm hoa Adey Abeba. Ảnh: Shutterstock.

Adey Abeba, loài hoa bản địa của Ethiopia, nở hoa trong thời kỳ này và trở thành biểu tượng năm mới của người Ethiopia.

“Điều đó giống sự khởi đầu mới”, Gashaw nói. “Lượng mưa giảm dần và sau đó, mọi nơi bạn đến đều xanh tốt”.

Anh cũng chỉ ra việc tổ chức năm mới vào ngày 1/1 không có ý nghĩa mấy ở Ethiopia vì ngày này rơi vào mùa khô, trong khi ngày 11/9 (hoặc 12/9 trong năm nhuận) - cũng đánh dấu sự khởi đầu năm của Ai Cập - lại rất phù hợp.

“Tôi biết đây là ngày tồi tệ đối với thế giới”, Gashaw nói, ám chỉ vụ tấn công 11/9/2001. “Nhưng lịch Ethiopia lại trùng vào ngày đó hàng năm”.

Đồng hồ 12 giờ

Ở Ethiopia không chỉ có tháng, ngày và năm khác biệt. Đất nước này cũng chạy theo hệ thống thời gian riêng.

Trong khi hầu hết quốc gia bắt đầu ngày mới vào lúc nửa đêm, người Ethiopia sử dụng hệ thống đồng hồ 12 giờ (thay vì 24 giờ) chạy từ bình minh đến hoàng hôn, bắt đầu lúc 1h sáng.

Điều này có nghĩa thời gian mà hầu hết mọi người ở bên ngoài Ethiopia coi là 7h sáng thì người Ethiopia sẽ coi là 1h sáng.

Gashaw giải thích điều này phản ánh cuộc sống ở Ethiopia - số giờ chiếu sáng ban ngày ở nước này khá ổn định do nằm gần Xích đạo. Anh cũng cảm thấy đây dường như là cách tiếp cận hợp lý hơn.

“Thành thật mà nói, tôi không hiểu tại sao giờ châu Âu lại thay đổi vào lúc nửa đêm”, anh nói. “Bởi lúc đó, mọi người đều đang ngủ”.

Tuy nhiên, điều này có thể gây nhầm lẫn, đặc biệt là cho du khách.

Khi đặt lịch hẹn với khách quốc tế, Gashaw luôn làm rõ liệu họ đang nói về giờ của Ethiopia hay giờ phương Tây.

“Nếu ai đó nói hãy gặp nhau lúc 2 giờ chiều, tôi sẽ kiểm tra lại (xem họ muốn nói buổi sáng hay buổi chiều, theo lịch nào)”, anh cho biết. “Tương tự, khi tôi mua vé máy bay, các hãng hàng không sử dụng lịch châu Âu nên tôi kiểm tra lại 3-4 lần để nắm rõ thời gian của mình”.

 Khu thương mại trung tâm thành phố ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ảnh: New York Times.

Khu thương mại trung tâm thành phố ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ảnh: New York Times.

Dù vậy, đôi khi anh cũng mắc sai lầm. Gashaw từng trượt kỳ thi vì lịch học ở trường đại học của anh được ấn định theo giờ phương Tây nhưng anh hiểu lầm.

“Khi họ nói 14h, tôi nghĩ đó là giờ Ethiopia, nghĩa là vào buổi sáng. Vì vậy, khi tôi đến nơi không thấy ai ở đó cả. Tôi nghĩ: ‘Chắc buổi kiểm tra đã bị hủy’".

Tương lai sẽ ra sao?

“Phần lớn người dân Ethiopia không quan tâm đến phần còn lại của thế giới”, Tekle nói. “Đôi khi họ thậm chí không biết rằng có cách khác để đếm thời gian”.

Tuy nhiên, liệu điều đó có thay đổi trong tương lai khi nhờ công nghệ, ngày càng có nhiều người, đặc biệt những người sống ở khu vực nông thôn, được kết nối với phần còn lại của thế giới?

“Rất nhiều nông dân ngày nay có điện thoại thông minh và điều này có thể ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận, cũng như cách tiếp cận mọi việc của người Ethiopia”, Krebs chia sẻ.

“Sẽ rất thú vị (khi xem xét) điều đó diễn ra như thế nào trong những thập kỷ tới với nhiều kết nối hơn”, bà nói thêm.

Trong khi đó, Gashaw không cảm thấy đây là vấn đề đặc biệt cấp bách hay điều gì đó sẽ tạo ra nhiều khác biệt đối với người Ethiopia.

Tekle cũng nhấn mạnh lịch truyền thống của Ethiopia thậm chí không phải là lịch duy nhất hoạt động ở nước này.

“Theo hiểu biết của tôi, có ít nhất 2 loại lịch khác phù hợp với những người sử dụng chúng ở miền Nam Ethiopia”, ông nói.

Đối với Krebs, quan điểm quốc gia có dân số khoảng 130 triệu người nên thay đổi truyền thống lâu đời bởi luận điểm “tính thực tế” rất khó để nhận được nhiều sự ủng hộ.

“Không có lý do thực sự nào, ngoài tính thực tế, đòi hỏi mọi người nên thích nghi với nó (lịch của phương Tây) trong thế giới toàn cầu hóa”, bà nói. “Từ góc nhìn người ngoài, tôi không nghĩ bất cứ quốc gia nào nên đánh mất hệ thống địa phương của riêng mình, hệ thống này mang ý nghĩa văn hóa lớn hơn nhiều (đối với họ)”.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/quoc-gia-duy-nhat-tren-the-gioi-van-dang-o-nam-2016-post1482164.html