Quốc gia EU khẳng định hợp tác với Nga mang lại lợi ích to lớn
Nhật báo Hungary dẫn lời Ngoại trưởng nước này Peter Szijjarto cho biết, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và cùng có lợi với Nga mang lại lợi ích cho quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này.
Ngoại trưởng Szijjarto đưa ra tuyên bố trên sau khi kết thúc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Budapest ngày 24/8.
Theo ông Szijjarto, các nước đối tác và đồng minh cũng có chung quan điểm này với Hungary, song họ không tuyên bố công khai.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, mối quan hệ tốt đẹp với Nga đã mang lại lợi ích to lớn cho Hungary, nhất là thông qua hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với đại dịch Covid-19.
Nhà ngoại giao Hungary nhấn mạnh, nước này không thể thành công trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 nếu không có vaccine Sputnik của Nga.
Hiện hai nước đang tích cực đàm phám để thúc đẩy hợp tác sản xuất vaccine Sputnik tại quốc gia Trung Âu vào cuối năm 2022.
Riêng về vấn đề năng lượng, Ngoại trưởng Hungary đánh giá việc Mỹ và Đức đạt được thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 cho thấy Nga sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu trong tương lai.
Trước đó, trong cuộc họp báo chung giữa hai ngoại trưởng sau hội đàm, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga Lavrov cho biết, hai bên đã có buổi làm việc hữu ích, xem xét các khía cạnh trong quan hệ song phương cũng như hợp tác trong các vấn đề quốc tế.
Ngoại trưởng Lavrov cho hay, quan hệ song phương Nga-Hungary đang ngày càng mở rộng trong hợp tác kinh tế, thương mại cũng như các dự án về năng lượng,...
Bên cạnh đó, theo ông Lavrov, cả ông và người đồng cấp Hungary đều chia sẻ quan điểm "không nên chính trị hóa việc sản xuất và triển khai vaccine Covid-19 hay sự phát triển của virus SARS-CoV-2, bởi bất kỳ chương trình nghị sự chính trị nào cũng sẽ cản trở việc toàn cầu đạt được mục tiêu chính là vượt qua Covid-19".
Đề cập tình hình ở Ukraine, hai nhà ngoại giao "chia sẻ cách tiếp cận rằng không có giải pháp nào thay thế cho việc thực hiện đầy đủ và nhất quán Thỏa thuận Minsk".
Kể từ khi Thủ tướng Viktor Orban lên nắm quyền vào năm 2010, quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách quảng bá lợi ích của việc hợp tác với Nga trong khối, liên tục kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế Moscow kể từ năm 2014.