Quốc gia EU tuyên bố bảo vệ hợp tác hạt nhân với Nga
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác năng lượng hạt nhân với Nga và phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ phương Tây trong lĩnh vực này.
Theo đài RT (Nga), nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary đã đưa ra tuyên bố trên bên lề Diễn đàn Năng lượng hạt nhân Quốc tế Atomexpo-2022 đang diễn ra tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi, miền nam nước Nga.
“Rõ ràng năng lượng hạt nhân là cách tạo năng lượng rẻ nhất, an toàn nhất và thân thiện với môi trường nhất. Hungary có lợi ích trong vấn đề này. Đó là lý do tại sao quốc gia của chúng tôi tiếp tục hợp tác hạt nhân với Tập đoàn Rosatom của Nga để đưa hai lò phản ứng mới vào hoạt động từ năm 2030”, ông Szijjarto nói, đề cập đến kế hoạch mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks với sự hợp tác của Tập đoàn năng lượng hạt nhân khổng lồ Rosatom (Nga).
Hồi tháng 8, Budapest đã cấp phép cho Tập đoàn Rosatom xây dựng hai lò phản ứng mới. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi động vào năm 2023. Tuy nhiên, nó đã vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia EU. Song đến nay, Hungary đã thành công trong việc đạt thỏa thuận miễn trừng phạt ở lĩnh vực năng lượng hạt nhân, trong bối cảnh EU nỗ lực mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự tại Ukraine.
“Hungary luôn đấu tranh để được miễn trừ trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Đến nay chúng tôi đã thành công trong việc hạn chế trừng phạt, tôi hy vọng Hungary cũng sẽ thành công ở lĩnh vực năng lượng hạt nhân trong tương lai”, ông Szijjarto nói.
Nền kinh tế Hungary chủ yếu phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Ngoài hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, nước này còn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, như dầu và khí đốt, từ Nga. Budapest đã lên tiếng chỉ trích cách tiếp cận của EU đối với cuộc xung đột ở Ukraine, cho rằng các biện pháp trừng phạt của khối đang gây tổn hại cho chính khối này nhiều hơn là Moskva.
Sau các cuộc đàm phán đầy căng thẳng với EU, Budapest đã nhận được một số miễn trừ khỏi các hạn chế trên toàn khối đối với việc mua nhiên liệu hóa thạch của Nga.