Quốc gia hưng vong, tiền nhân thao thức

Lãnh đạo đất nước trực tiếp kêu gọi xúc tiến đầu tư cho cấp huyện - điều chưa từng có khi trước đây việc này chỉ được thực hiện ở cấp tỉnh, thành. Mở đầu cho sự kiện chưa từng có là huyện Củ Chi, Hóc Môn, theo mong muốn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: 'An bình, thịnh vượng cho vùng đất thép'.

Tự tin tiến thẳng

Vào lúc này, TP. Hồ Chí Minh đang rộn ràng cho việc chuẩn bị tổ chức triển lãm 55 dự án kêu gọi đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. 55 dự án này chủ yếu liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật; chỉnh trang đô thị; công nghiệp; nông nghiệp; thương mại dịch vụ và cuối cùng là giáo dục, văn hóa, thể thao. Hiện đã có hàng loạt tập đoàn sẵn sàng cho việc ký kết đầu tư như Tập đoàn Hưng Thịnh với tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng; Tập đoàn Surbana Jurong đầu tư khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nhà vườn tại xã Trung An (Củ Chi) tổng mức đầu tư 25.300 tỷ đồng; Tập đoàn Giáo dục Văn Lang với dự án khu đô thị đại học mức đầu tư 15.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Aeon Việt Nam với hệ thống thương mại; Tập đoàn Consumer với nhà máy giết mổ gia súc và hệ thống phân phối… Tổng vốn đầu tư kêu gọi vào 55 dự án khoảng 285.000 tỷ đồng (tương đương 12.400 triệu USD) - một con số mà ngay cả nhiều tỉnh, thành khi tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cũng không dám mơ tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh ngày 20/5/2021.

Củ Chi cũng là huyện đầu tiên trong cả nước có dự định tiến thẳng lên thành phố, với phong thái đặc biệt tự tin, đĩnh đạc sẽ trở thành thành phố “thời thượng” mang sắc thái riêng biệt, đậm nét sông nước và nên thơ với lợi thế hệ thống sông, rạch như mắc cửi, đất nông nghiệp, cây xanh chiếm tỷ lệ khá cao. Cùng đó, việc hình thành cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, sẽ là kênh kết nối với thị trường xuất khẩu, thị trường quốc tế, giúp Củ Chi tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế; các điểm giao của hạ tầng nội bộ và cao tốc cũng sẽ tiềm năng trở thành các trung tâm kinh tế sôi động. Vùng đất thép dũng mãnh ngày nào với những địa đạo dọc ngang trong lòng đất, đã “bật dậy”, vẫn với vẻ dũng mãnh, tiến thẳng vào con đường phát triển sáng rực, mà nói như Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên: “đầu tư phát triển cho Củ Chi không chỉ vì Củ Chi mà còn vì cả TP. Hồ Chí Minh”.

Huyện Củ Chi thu hút nhiều nhà đầu tư.

Nhưng, như thế vẫn là chưa đủ. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đầu tư phát triển cho Củ Chi không chỉ vì phát triển cho TP. Hồ Chí Minh, mà còn để bắt đầu khí thế phát triển cho mọi vùng miền, từ cấp huyện, xã, để sự no đủ, thịnh vượng cho người dân lan rộng đến tất cả. Và đặc biệt, những nơi từng là nơi đau thương nhất trong thời chiến, thì phải trở thành những nơi được quan tâm nhất, có sức sống mạnh mẽ nhất trong thời bình.

Khí phách Việt Nam

Nhắc lại thời điểm từ năm 1967, Củ Chi đã được mệnh danh là “Đất thép, thành đồng”, đến sau giải phóng là “Vượt khó vươn lên” và “Trọn nghĩa vẹn tình”, Chủ tịch nước cho rằng lúc này Củ Chi cần thêm 4 chữ “An bình, thịnh vượng” để trở thành “Đất thép thành đồng – vượt khó vươn lên – trọn vẹn nghĩa tình – an bình thịnh vượng”. Tương tự với Hóc Môn là an khang, bình yên, giàu có, phát triển.

Sau đau thương, linh thiêng hội tụ

“Việt Nam là một quốc gia đã trải qua lịch sử dựng nước, giữ nước hết sức oanh liệt, hào hùng, với nhiều gian khổ, hi sinh. Linh thiêng hội tụ sau đau thương, mất mát, để cho tất cả chúng ta ai cũng có thể cảm nhận được rằng luôn cùng với chúng ta, những người đã đi trước không giờ phút nào không thao thức trong mọi chặng đường hưng vong của đất nước. Chúng ta dốc sức dựng xây, phát triển đất nước, không chỉ vì sự ngày càng ấm no, thịnh vượng của người dân, mà còn để không phụ sự trông ngóng, dõi theo của tiền nhân”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Tôi xúc động khi được sự tín nhiệm của đồng bào cử tri ở hai huyện - là cái nôi của cách mạng miền Nam, Hóc Môn (18 thôn vườn trầu) và Củ Chi (Đất thép, thành đồng), bầu tôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh”.

Theo người đứng đầu Nhà nước, cùng với những địa danh khác, Củ Chi, Hóc Môn đã trở thành biểu tượng của khí phách, tinh thần Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, của khát vọng độc lập dân tộc và niềm tin sắt son vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Ông nhấn mạnh: “Mọi thành quả của chúng ta sẽ không bao giờ trọn vẹn khi những địa phương, những vùng đất giàu truyền thống cách mạng như vậy vẫn chưa phát triển tương xứng với bề dày lịch sử và với tiềm năng”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quả quyết: “Là đại biểu Quốc hội và trên cương vị Chủ tịch nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôi sẽ nỗ lực cùng Quốc hội, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị theo sát việc thực hiện tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước, với tinh thần không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là ở những địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo...”.

Nhớ lại nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2020, khi bắt đầu xây dựng chuỗi đại dự án cao tốc Bắc - Nam vào tháng 9/2019, Quảng Trị - vùng đất máu lửa và đau thương nhất cả nước thời chiến cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn là nơi khởi công dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của chuỗi đại dự án, thể hiện tấm lòng của Đảng, Nhà nước luôn dành mọi cơ hội để bù đắp cho địa phương này.

Còn vào cuối năm ngoái, Chính phủ đã ra quyết định về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư hơn 5.820 tỷ đồng. Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là dự án thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn và quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ.

“Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất”

Mùa hè 2021, ngay trước thời điểm diễn ra ngày hội non sông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng; dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ anh linh của hàng vạn Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến. Dưới ánh nắng chói gắt của miền Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến viếng Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), nơi yên nghỉ của hơn 45 nghìn liệt sĩ trong đó nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy tên đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dâng hương, dâng hoa tại di tích Nhà thương Giếng Nước, nơi đây vào tháng 8/1941, thực dân Pháp đã lập ra trường bắn để giết hại các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng như Hà Huy Tập, nguyên Tổng Bí thư Đảng; Võ Văn Tần, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Nguyễn Thị Minh Khai, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn... và nhiều đồng bào, chiến sĩ tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.

Chủ tịch nước cũng dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn) và cụm Tượng đài Sống vĩ đại - Chết vinh quang, Cụm Tượng đài Chiến sĩ vô danh. Đây cũng là địa danh 18 thôn vườn trầu Hóc Môn Bà Điểm, giặc Pháp đã dựng trường bắn để sát hại các đồng chí lãnh đạo Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và hàng trăm chiến sĩ, đồng bào đã tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940... Tất cả giờ đây đều đã hóa thân thành hồn thiêng sông núi.

Lịch sử dân tộc, hào hùng và đau thương, suốt trên dặm dài mảnh đất hình chữ S, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những đài tưởng niệm liệt sĩ. Trong mỗi nén hương thắp lên của lớp lớp thế hệ sau, luôn là lòng biết ơn, sự thương nhớ không nguôi gửi đến các bậc tiền nhân. Như lời thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi viết 70 năm trước, “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về…”.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quoc-gia-hung-vong-tien-nhan-thao-thuc-101839.html